Thử thách với những cơn gió ngược
Nền kinh tế toàn cầu năm qua được định hình bởi sự tăng trưởng chậm chạp, rải rác với những cú sốc địa chính trị và một cuộc khủng hoảng ngân hàng đột ngột tại Mỹ đe dọa làm chệch hướng tăng trưởng. Việc loạt ngân hàng T.Ư lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh nhất trong nhiều thập kỷ nhằm kiềm chế giá tiêu dùng cũng khiến mọi việc trở nên khó khăn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 10 đã dự kiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3% trong năm 2023, chậm hơn mức tăng 3,5% được ghi nhận vào năm 2022, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình lịch sử của thế giới. Trong năm tới, IMF dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 2,9%, trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức tăng trưởng 2,4% và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo ở mức 2,7%.
Cả IMF và WB đều dự đoán tăng trưởng sẽ vẫn chậm và không đồng đều, đặc biệt ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Cố vấn toàn cầu của State Street cho biết, trong báo cáo Triển vọng năm 2024: "Nhìn vào năm 2024, chúng tôi dự đoán sự bất ổn sẽ tiếp tục tồn tại, với xu hướng tăng trưởng phụ được dự báo trên khắp các nền kinh tế thế giới".
“Mặc dù con đường “hạ cánh mềm” có vẻ khả thi, với tốc độ tăng trưởng giảm tốc nhưng không sụp đổ, tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ vẫn đang tác động đến hệ thống. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị leo thang và những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục thử thách các nền kinh tế và năm 2024 có thể sẽ là một năm đầy biến động với nhiều yếu tố cản trở con đường phục hồi toàn cầu" - báo cáo của State Street, một trong những nhà quản lý tài sản toàn cầu lớn nhất cho biết.
Áp lực tăng trưởng, lạm phát
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ gần đây, “con đường dẫn đến kịch bản kinh tế hạ cánh mềm vẫn còn nhiều thách thức" - Michael Strobaek - Giám đốc đầu tư tại ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Lombard Odier nói. Theo chuyên gia này, một trong những mối quan tâm chính trong năm tới là địa chính trị lớn hơn gây ra rủi ro kinh tế, đặc biệt sau sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Gaza và xu hướng xấu đi trong mối quan hệ Mỹ - Trung.
Đồng quan điểm, William Davies - Giám đốc đầu tư toàn cầu của công ty quản lý tài sản Columbia Threadneedle Investments nói: "Chúng tôi nghĩ rằng những rủi ro lớn hơn vào năm 2024 sẽ là địa chính trị, có nhiều khả năng khiến kỳ vọng đi chệch hướng. Những áp lực này tác động trực tiếp đến các công ty, vì việc tìm kiếm nguồn cung cấp năng lượng thay thế hoặc xây dựng chuỗi cung ứng mới sẽ rất tốn kém".
Ông lưu ý, nền kinh tế toàn cầu "dường như đang đi trên con đường được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng thấp hoặc thậm chí chậm lại, lạm phát giảm và lãi suất cao".
Lạm phát của Mỹ giảm trong tháng 11/2023 nhưng cao hơn một số kỳ vọng của thị trường, làm nguội đi mọi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu năm tới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,1% trong tháng trước.
Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm. Lãi suất hiện ở mức 5,4%, cao nhất trong 22 năm, tăng từ mức gần bằng 0 vào tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, Ngân hàng T.Ư Mỹ đã chỉ ra rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024.
Trong một diễn biến khác, Reuters dẫn số liệu mới nhất từ Viện kinh tế Đức IfW Kiel cho biết, thương mại toàn cầu đã giảm 1,3% từ tháng 11 đến tháng 12/2023 do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển ở khu vực trọng điểm giảm mạnh. Biển Đỏ là một tuyến biển quan trọng nối châu Á và châu Âu và tạo điều kiện thuận lợi cho khoảng 12% thương mại toàn cầu. Tuyến đường này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu mỏ từ vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ. Giá dầu trên thị trường cũng đã có phản ứng ngay lập tức khi căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ trong những tuần đầu tháng 1/2024.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu tình trạng “tắc nghẽn” tại Biển Đỏ không sớm được giải quyết, sẽ giáng đòn nặng nề vào nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) trong 2 năm qua.