Hàn Quốc đã gửi nhầm cảnh báo tìm nơi trú ẩn cho người dân Seoul sau khi Triều Tiên bắn một vật thể bay vào sáng nay (31/5), chỉ vài ngày sau khi Bình Nhưỡng phát tín hiệu về ý định phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên.
Nhật Bản cũng đưa ra cảnh báo tên lửa đối với đảo Okinawa ở phía Nam, nhưng lệnh này đã nhanh chóng được dỡ bỏ.
Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận, vụ phóng vệ tinh do Triều Tiên tiến hành hôm nay đã kết thúc thất bại sau khi tầng thứ hai của tên lửa bị trục trặc và rơi xuống biển. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, tên lửa phóng vệ tinh mới "Chollima-1" đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định.
Đầu tuần này, Bình Nhưỡng đã đưa ra một thông báo hiếm hoi thông qua Tổ chức Hàng hải Quốc tế về một vụ phóng vệ tinh được lên kế hoạch từ ngày 31/5 đến ngày 11/6.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 31/5 dẫn thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết, "phương tiện phóng không gian" đã rơi xuống biển Hoàng Hải sau một hành trình bay "bất thường".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc thông tin, đã phát hiện vụ phóng từ Tongchang-ri trên bờ biển phía Tây Triều Tiên lúc 6:29 sáng và tên lửa rơi xuống vùng biển cách đảo Eocheong của miền Nam khoảng 200 km về phía Tây.
"Chúng tôi đang tiến hành phân tích bổ sung với sự hợp tác của Mỹ," JCS cho biết trong một tin nhắn văn bản gửi cho các phóng viên.
Hôm 3/5, Ri Pyong Chol, phó chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương của Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên, cho biết các cuộc tập trận quân sự chung đang diễn ra giữa Mỹ và Hàn Quốc đòi hỏi Bình Nhưỡng phải có "phương tiện có khả năng thu thập thông tin về các hành động quân sự của kẻ thù trong thời gian thực."
Trước vụ phóng hôm 31/5, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bất kỳ vụ phóng nào của Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo sẽ vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Các phương tiện phóng không gian (SLV) kết hợp các công nghệ giống hệt và có thể hoán đổi cho nhau với những công nghệ được sử dụng trong tên lửa đạn đạo, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.
Các nhà phân tích cho biết, Triều Tiên trước đây đã thử 5 lần phóng vệ tinh, trong đó có 2 vệ tinh được đưa vào quỹ đạo, bao gồm cả lần phóng gần đây nhất vào năm 2016. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết khả năng chế tạo các vệ tinh hoạt động của nước này vẫn chưa được chứng minh.