Triều Tiên: Tập trận Mỹ-Hàn gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên cáo buộc các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc đi quá giới hạn và dọa đáp trả bằng cách thể hiện năng lực răn đe "thông qua hành động tấn công".

Oanh tạc cơ B-52 Mỹ và máy bay chiến đấu F-15K của Không quân Hàn Quốc diễn tập chung ở Hàn Quốc ngày 3/3/2023. Ảnh: Reuters
Oanh tạc cơ B-52 Mỹ và máy bay chiến đấu F-15K của Không quân Hàn Quốc diễn tập chung ở Hàn Quốc ngày 3/3/2023. Ảnh: Reuters

"Hành vi đối đầu quân sự liều lĩnh của Mỹ và những bên ủng hộ nước này chống lại Triều Tiên đang đẩy tình hình trên bán đảo đến thảm họa không thể đảo ngược và tiến sát nguy cơ chiến tranh hạt nhân", theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA.

Trong bài xã luận ngày 6/4, KCNA chỉ trích các cuộc tập trận và diễn tập gần đây của Mỹ với đồng minh, trong đó có Hàn Quốc, làm leo thang căng thẳng trong khu vực.

Theo bài viết của tác giả Choe Ju Hyon, những hoạt động này đi quá giới hạn chịu đựng của Triều Tiên và họ sẽ đáp trả bằng cách thể hiện năng lực răn đe "thông qua hành động tấn công".

Reuters đưa tin, kể từ tháng 3, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận mùa xuân hàng năm, gồm cả trên không và trên biển với sự tham gia của một tàu sân bay Mỹ và các máy bay ném bom B-1B và B-52, cũng như cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn đầu tiên của họ sau 5 năm.

Bài bình luận cho rằng sự tham gia của các tàu sân bay là nhằm châm ngòi đối đầu, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ đáp trả cuộc tập trận bằng cách thực hiện khả năng răn đe chiến tranh thông qua "hành động tấn công". Theo tác giả: "Các cuộc tập trận đã biến bán đảo Triều Tiên thành một hầm chứa thuốc nổ khổng lồ có thể phát nổ bất cứ lúc nào".

Quân đội Mỹ gần đây triển khai nhiều vũ khí và phương tiện chiến lược tới Hàn Quốc, trong đó có oanh tạc cơ chiến lược và tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz. Mỹ cũng tổ chức các cuộc diễn tập và tập trận chung với Hàn Quốc và Nhật Bản trong nỗ lực thể hiện năng lực quân sự trước Triều Tiên.

Triều Tiên đã phản ứng mạnh mẽ trước cuộc tập trận chung của Mỹ và các nước đồng minh, gọi đây là cuộc diễn tập xâm lược. Trong những tuần gần đây, Bình Nhưỡng liên tiếp phóng thử loạt tên lửa đạn đạo, trong đó có tên lửa xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17, cũng như công bố đầu đạn hạt nhân thu nhỏ Hwasan-31 vào tuần trước.

Theo KCNA, Ủy ban Quân sự Trung ương Triều Tiên thuộc Đảng Lao động đã chỉ huy cuộc diễn tập từ ngày 21 tới ngày 23/3, "nhằm cảnh báo kẻ thù về một cuộc khủng hoảng hạt nhân thực sự và xác minh độ tin cậy của lực lượng hạt nhân vì mục đích tự vệ". 

Triều Tiên cho biết, nước này đã triển khai một "thiết bị không người lái tấn công hạt nhân dưới nước" ở ngoài khơi bờ biển huyện Riwon, thuộc tỉnh Nam Hamgyong hôm 21/3 và nó đã đến điểm mục tiêu ở vùng biển ngoài khơi Vịnh Hongwon. Đầu đạn thử nghiệm đã phát nổ dưới nước vào ngày 23/3. 

Triều Tiên đã phóng thử nghiệm các tên lửa hành trình chiến lược được gắn đầu đạn thử nghiệm mô phỏng đầu đạn hạt nhân. KCNA đưa tin, hai tên lửa hành trình chiến lược loại Hwasal-1 và hai tên lửa tương tự loại Hwasal-2 đã được phóng đi từ tỉnh Hamgyong, bắn trúng mục tiêu đã định ở vùng biển phía đông. 

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ Triều Tiên tại cơ quan Liên Hợp Quốc Han Tae Song hôm 5/3 đã phản đối nghị quyết thường niên được Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua trong tuần này về tình hình nhân quyền của nước này.

Bình Nhưỡng từ lâu đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế về những vi phạm nhân quyền của nước này.

Đại sứ Han nói rằng nghị quyết này là "hành động khiêu khích và thù địch chính trị không thể dung thứ" và là "tài liệu lừa đảo bị chính trị hóa nặng nề nhất".