Tròn 1 năm vụ phá hoại Nord Stream, thủ phạm vẫn bặt vô âm tín?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp các cuộc điều tra chính thức do Đức, Thụy Điển và Đan Mạch tiến hành, câu hỏi ai chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại đường ống Nord Stream vẫn chưa có câu trả lời.

Vụ nổ Nord Stream gây ra rò rỉ khí đốt tự nhiên với số lượng cực lớn gần khu vực Bornholm của Đan Mạch. Ảnh: Reuters
Vụ nổ Nord Stream gây ra rò rỉ khí đốt tự nhiên với số lượng cực lớn gần khu vực Bornholm của Đan Mạch. Ảnh: Reuters

Một năm trước, vụ tấn công nhằm vào đường ống Nord Stream gây gián đoạn hoạt động vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, đồng thời làm leo thang căng thẳng địa chính trị giữa Moscow và phương Tây, vốn đã lên đến đỉnh điểm sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, bất chấp các cuộc điều tra chính thức do Đức, Thụy Điển và Đan Mạch tiến hành, câu hỏi ai chịu trách nhiệm về hành vi phá hoại vẫn chưa có câu trả lời.

Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục

Vào ngày 26/9/2022, một số vụ nổ xảy ra dưới lòng đại dương đã làm vỡ 2 đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, khiến khí đốt bị rò rỉ gần khu vực Bornholm của Đan Mạch.

Đường ống Nord Stream 2, trị giá 10 tỷ euro, là tuyến cung cấp khí tự nhiên chính từ Nga sang châu Âu. Ảnh: AP
Đường ống Nord Stream 2, trị giá 10 tỷ euro, là tuyến cung cấp khí tự nhiên chính từ Nga sang châu Âu. Ảnh: AP

Lãnh đạo Liên minh châu châu Âu (EU) thừa nhận rằng vụ nổ tại hệ thống đường ống Nord Stream, được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức, có thể là một "cuộc tấn công có chủ ý".

Sau đó, đến ngày 28/9, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẵn sàng gửi đề nghị được tham gia cuộc điều tra chung với các nước EU về vụ phá hoại đường ống khí đốt Nord Stream. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã từ chối yêu cầu của Nga.

Công ty Nord Stream AG - nhà điều hành đường ống Nord Stream cho biết, thiệt hại do những vụ nổ này là chưa từng có và không thể ước tính được thời gian cần để sửa chữa Nord Stream 1 và Nord Stream 2.

Theo tờ Aljazeera, các vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch, do đó cả hai nước đã gấp rút tiến hành điều tra vụ việc. Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù các nhà điều tra kết luận rằng vụ tấn công là có chủ ý, song vẫn chưa xác định được ai đứng sau vụ việc.

Các công tố viên liên bang của Đức cũng đã mở một cuộc điều tra và khám xét một chiếc du thuyền bị tình nghi có tên Andromeda vào tháng 1/2023. Các nhà điều tra Đức đã thu giữ các đồ vật trên tàu Andromeda và tìm thấy bằng chứng cho thấy chiếc du thuyền này đã được dùng để vận chuyển chất nổ tương tự chất nổ được dùng phá hoại Nord Stream.

Tuy nhiên, Văn phòng công tố Đức nói với hãng tin AFP rằng danh tính của thủ phạm và động cơ của họ vẫn đang được điều tra.

Các nhà điều tra phương Tây đều cho rằng, có 3 giả thuyết chính về nguyên nhân gây ra vụ nổ đường ống, bao gồm “nhóm du kích thân Ukraine”, “tàu hải quân Nga” và “âm mưu của Mỹ”.

Trong khi đó, một số nhà báo độc lập cũng vào cuộc, thực hiện các cuộc điều tra độc lập để tìm ra thủ phạm chính của vụ tấn công Nord Stream.

Mặc dù chưa có kết quả điều tra chính thức nào được công bố, nhưng vào ngày 8/2/2023, nhà báo điều tra người Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh đã công bố báo cáo cáo buộc vụ tấn công Nord Stream do Mỹ tổ chức dưới sự hỗ trợ của Na Uy. Nhà Trắng đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc.

Trong khi đó, hồi giữa tháng 7 vừa qua, truyền thông đưa tin, tình báo quân sự Hà Lan đã thông báo cho Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) về việc Ukraine có kế hoạch phá hoại đường ống Nord Stream nhiều tháng trước khi vụ nổ xảy ra.

Vì sao các nhà điều tra EU chưa công bố thủ phạm?

Giới phân tích cho rằng việc cả Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đều giữ kín các cuộc điều tra của họ là điều không bất ngờ, bởi những hậu quả ngoại giao tiềm ẩn mà họ có thể phát hiện ra nếu đi tới cùng vụ việc.

Cựu sĩ quan CIA Philip Giraldi và hiện là giám đốc điều hành của Hội đồng về Lợi ích Quốc gia Mỹ nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi đã có các cuộc điều tra chính thức từ 3 nước châu Âu, song câu hỏi ai chịu trách nhiệm về vụ phá hoại vẫn chưa được trả lời.

"Việc các nhà điều tra của Thụy Điển, Đan Mạch và Đức chưa tìm ra thủ phạm gây ra vụ tấn công Nord Stream sau 1 năm xảy ra vụ việc là điều dễ hiểu. Lý do là các nước này đều là thành viên NATO, do đó việc công bố ai liên quan trực tiếp đến vụ việc, có thể là người Nga hay người Ukraine, sẽ là một thách thức với các nhà điều tra” - cựu sĩ quan CIA nói với tờ Sputnik hôm 25/9.

Theo ông Giraldi, Đức là quốc gia EU chịu thiệt hại kinh tế nặng nề nhất do sự cố rò rỉ đường ống Nord Stream. Cựu sĩ quan CIA nhấn mạnh: "Nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn vì nước này phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga”.

Thủ hiến bang Saxony Michael Kretschmer hôm 27/8 khẳng định đường ống khí đốt Nord Stream cần sớm được sửa chữa vì tuyến đường ống chạy dưới Biển Baltic sẽ giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho Đức trong 5 đến 10 năm tới.

Theo Sputnik, Đại sứ Nga tại Đan Mạch Vladimir Barbin ngày 25/9 cho biết chưa có sự hợp tác giữa Nga và Đan Mạch trong việc điều tra vụ nổ đường ống khí đốt Nord Stream.

Theo Đại sứ Barbin, trong vụ Nord Stream, Văn phòng công tố Đan Mạch giải thích lý do miễn cưỡng tương tác với phía Nga là bởi việc thực hiện các yêu cầu hỗ trợ pháp lý của Nga “có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Đan Mạch”.

Nhà ngoại giao Nga nhận định, Đan Mạch có thể lo ngại rằng khi điều tra chung về các cuộc tấn công nhằm vào đường ống Nord Stream, Moscow sẽ tìm ra những tình huống có thể gây tổn hại đến hợp tác giữa Copenhagen và Washington hoặc việc cung cấp vũ khí của Đan Mạch cho Ukraine.