Trông chờ thông điệp "nước Mỹ trở lại" ở Đại hội đồng Liên hợp quốc

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu Mỹ muốn khôi phục niềm tin của cộng đồng quốc tế với tư cách là quốc gia dẫn dắt giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đây là thời điểm đưa ra những hành động thực chất.

Bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc (ĐHĐ LHQ) hôm 21/9 dự kiến sẽ tập trung vào nội dung cơ bản: trấn an các nhà lãnh đạo thế giới rằng Mỹ sẵn sàng theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương một lần nữa sau thời gian đầy biến động của chính quyền Donald Trump.
Hướng đến hình ảnh “thân thiện” ở LHQ
Theo Politico, ông Biden hẳn dễ dàng trở thành một tổng thống Mỹ thân thiện với Liên Hợp Quốc hơn người tiền nhiệm.
 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty. 
Về mặt cá nhân và chính trị, ông Biden dễhhv gây thiện cảm khi xuất hiện ở Liên Hợp Quốc. Tổng thống Mỹ có một lịch sử lâu dài làm việc trong tổ chức này, từng dẫn đầu nỗ lực giải quyết các khoản nợ của Mỹ với LHQ với tư cách là thượng nghị sĩ vào những năm 1990. Chính quyền của ông đã đảo ngược nhiều động thái đơn phương của người tiền nhiệm, cụ thể là tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris, như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Tuy nhiên, những hành động trong thời gian đầu nắm quyền của ông Biden hiện vẫn chưa đáp ứng được với những cam kết cùng LHQ như kỳ vọng. Đối với các vấn đề chính sách đối ngoại truyền thống từ Afghanistan đến Israel cho đến Trung Quốc, chính quyền Biden cho thấy sự mẫu thuẫn điển hình đối với LHQ. Ngoài ra, Washington cũng chưa thể hiện rõ cam kết với nỗ lực đa phương trong những quyết sách gần đây. Cụ thể nhất là trong việc rút quân khỏi Afghanistan vừa qua, Mỹ đã gạt Liên Hợp Quốc ra ngoài và không tham vấn các đồng minh cùng tham chiến. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh với Trung Quốc trong khi là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Mỹ, mặt khác đặt ra vấn đề liệu hai cường quốc có thể cùng hợp tác trong các thể chế quốc tế trong tương lai hay không?
Đập tan nghi ngại về cam kết đa phương của Mỹ
Mặt khác, bằng cách tập trung vào biến đổi khí hậu và Covid-19 - hai thách thức toàn cầu thực sự đòi hỏi nỗ lực đa phương – ông Biden có cơ hội để đập tan nghi ngại và tái khẳng định quyết tâm của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề thông qua hợp tác quốc tế.
Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cũng ghi nhận chính quyền mới của Mỹ đã xử lý một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như các cuộc đàm phán với Nga về việc duy trì nguồn viện trợ của Liên hợp quốc cho các vùng do phiến quân nắm giữ ở Syria vào mùa hè này khá hiệu quả. Linda Thomas-Greenfield, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc nhận được thiện cảm từ các đồng sự ở LHQ. Bà đã thúc đẩy Hội đồng Bảo an can dự vào các cuộc khủng hoảng - chẳng hạn như chính biến ở Myanmar và cuộc chiến ở vùng Tigray của Ethiopia - trước sự phản đối của Trung Quốc và Nga.
 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Thehill
Nhưng nhìn chung, chưa thấy được chiến lược tổng thể của Mỹ nhằm giành lại ảnh hưởng tại LHQ sau thời Tổng thống Trump. Nhà Trắng dường như cũng không muốn phải thông qua LHQ trong các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại nghiêm trọng nhất Mỹ phải đối mặt cho đến nay.
Các giới hạn về quan tâm của Mỹ đối với LHPT tỏ rõ vào thời điểm bùng phát bạo lực giữa Israel và Palestine hồi tháng 5. Trong khi Hội đồng Bảo an tranh luận về các lệnh ngừng bắn, Đại sứ Thomas-Greenfield được cho là ủng hộ đề xuất này về mặt cá nhân. Tuy nhiên về phía Nhà Trắng liên tục chặn tuyên bố kêu gọi ngừng bắn, do lo ngại làm phức tạp thêm chính sách ngoại giao tĩnh của Mỹ với Israel. Như một nhà ngoại giao châu Âu đã lưu ý một cách khéo léo, các tính toán của chính quyền ông Biden có thể khác với ông Trump, nhưng kết quả vẫn tương tự nhau – gạt LHQ ra ngoài lề.
Việc Mỹ định hình mối quan hệ với Trung Quốc dưới thời Biden cũng được công chúng quan tâm, dự kiến sẽ có trong bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ lần này. Trong khi ông Biden coi việc phản đối Trung Quốc trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Trung Quốc đang giành được ảnh hưởng quá lớn tại LHQ cũng như các cơ quan đa phương khác và thúc đẩy lợi ích kinh tế của riêng mình.
Ông Biden có thể sẽ sử dụng bài phát biểu để nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ “trật tự dựa trên quy tắc” do Mỹ dẫn dắt, điều Ngoại trưởng Antony Blinken từng đề cập trong một bài phát biểu trước Hội đồng Bảo an hồi tháng 5. Tuy nhiên, dự kiến những tuyên bố sẽ không trực diện và cho thấy rạn nứt hoàn toàn giữa hai cường quốc, thay vào đó, chính quyền Biden sẽ tập trung vào những vấn đề quốc tế như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Vai trò của Hội nghị nhỏ trong Hội nghị lớn
Trong khi LHQ đang xúc tiến một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lớn ở Scotland vào tháng 11, đây là cơ hội để Mỹ nêu bật cam kết đối với một cách tiếp cận đa phương để chống lại vấn đề này, cũng như từ khóa nóng - đại dịch Covid-19.
Nhiều lãnh đạo từ các nước đang phát triển dự kiến sẽ kêu gọi Mỹ và các quốc gia giàu khác cung cấp thêm vaccine. Nếu Mỹ muốn khôi phục niềm tin của cộng đồng quốc tế ở Mỹ với tư cách dẫn dắt giải quyết các cuộc khủng hoảng toàn cầu, đây là thời điểm đưa ra những hành động thực chất.
Chính quyền ông Biden hiểu điều này. Ngày 22/9, một ngày sau khi ông Biden có bài phát biểu tại ĐHĐ LHQ, Mỹ sẽ triệu tập Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Covid toàn cầu, tại đây các lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra cam kết về quỹ và vaccine Covid-19. Mục tiêu là đảm bảo 70% dân số thế giới được tiêm chủng cho tới tháng 9/2022, trên cơ sở cải thiện dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân và củng cố hệ thống y tế toàn cầu để đáp ứng những thách thức trong tương lai. Các khoản viện trợ liên quan khá đáng kể, bao gồm khoảng 10 tỷ USD cho việc tiêm chủng và 2 tỷ USD cho thiết bị dưỡng khí.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden kỳ vọng dẫn đầu trong danh sách hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch, nhưng cũng trong khả năng của mình. Tuy  nhiên hội nghị thượng đỉnh Covid do Mỹ chủ trì song song với phiên họp của ĐHĐ LHQ rõ ràng là sự gật đầu trước tầm quan trọng Đại hội đồng và hợp tác quốc tế.
Nếu hội nghị Covid lần này đạt kết quả khả quan, sẽ minh chứng những nỗ lực và cam kết của Mỹ trong thiết lập chương trình nghị sự đa phương.
Đối với nhiều nhà lãnh đạo đang phải vật lộn với hậu quả của Covid hay tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, những thông điệp này đã đủ “bõ” chuyến đi đến New York.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần