Trông chờ vai trò của các quốc gia then chốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ thử hạt nhân lần thứ 5 cho thấy, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những tình huống “xấu nhất” có thể xảy ra trong trường hợp Bình Nhưỡng khởi động một cuộc tấn công bằng hạt nhân.

Theo đó, tới đây vào ngày 18/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc tại New York nhằm thảo luận về phản ứng chung với vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của CHDCND Triều Tiên. Theo đó, 3 quốc gia đang đẩy mạnh việc “hối thúc” Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra lệnh trừng phạt cứng rắn đối với CHDCND Triều Tiên, trong động thái khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Mới đây, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã tiếp tục “đả kích” mạnh mẽ CHDCND Triều Tiên. Đồng thời yêu cầu, quân đội Hàn Quốc duy trì tình trạng giới bị cao nhất để bảo đảm, trong tình huống Bình Nhưỡng có ý đồ phóng một quả tên lửa hạt nhân về phía Seoul thì chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un chắc chắn sẽ phải đối diện với “sự kết thúc của chính quyền”. Bà Park cũng ra lệnh, các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai việc bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Người dân Seoul theo dõi vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5 trên truyền hình.
Người dân Seoul theo dõi vụ Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 5 trên truyền hình.
Bất chấp những cảnh báo cùng lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế và Hội đồng Bảo an LHQ, CHDCND Triều Tiên vẫn tiếp tục âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo. Trên phương diện tài chính, một trong những lĩnh vực không phải chịu trừng phạt của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un là ngành xuất khẩu than và các khoáng sản khác. Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ có sự miễn trừ này là do các nước muốn chừa lại đường sống cho người dân Bình Nhưỡng vốn dĩ chịu nhiều khó khăn trong một nền kinh tế bị cô lập.
Bên cạnh đó, Nga và Trung Quốc – 2 nước láng giềng cũng là đối tác của CHDCND Triều Tiên đều “tỏ ý” tán thành với lệnh trừng phạt mà Hội đồng Bảo an LHQ đã đưa ra. Tuy nhiên, mỗi nước lại đưa ra những phản ứng được cho là “hời hợt” và “không kiên quyết”. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đưa ra những hình phạt được xem là khá “nhẹ nhàng”. Điển hình là, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4, Bắc Kinh thậm chí vẫn cho phép Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá, quặng sắt và các khoáng chất khác – đây được xem là nguồn sống và phúc lợi của nước này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng giới hạn đến mức thấp nhất trong việc thực hiện lệnh trừng phạt của LHQ đối với CHDCND Triều Tiên. Như vậy, 2 bước trên đã đủ tạo ra “kẽ hở” trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt, làm giảm bớt tính “khả dĩ” của nó. Theo đó, sản lượng từ giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên trong tháng 6 này đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy rõ ràng không có gì thay đổi trong mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia này.

Còn về phần mình, chính quyền Moscow cũng không chống lại nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng đã ngay lập tức thông báo, họ dự định đóng góp phần tu chỉnh trong nghị quyết này và quan trọng nhất là các biện pháp trừng phạt không nên dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế cũng như tình hình nhân đạo tại Bình Nhưỡng. Và như vậy, việc đưa ra một lệnh trừng phạt “cứng rắn” từ Hội đồng Bảo an LHQ, chắc chắn Trung Quốc và Nga sẽ là 2 quốc gia đóng vai trò “then chốt” trong nỗ lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần