Washington đã chẳng khác gì phải nhảy ra khỏi cái bóng của chính mình và bỏ qua một số điều được coi là cấm kỵ như bước qua lời nguyền để có những điều chỉnh ấy.
Trước tiên là việc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Mỹ đã trực tiếp tham chiến trên bộ ở Iraq với mục tiêu tấn công vào tận sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Sau đó là việc đưa một lực lượng này đến Syria và mời Iran tham dự hội nghị quốc tế về Syria vừa diễn ra ở Vienna (Áo). Xưa nay, vì bản thân và cũng còn vì đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực này là Ả Rập Saudi, Mỹ luôn gạt Iran ra ngoài mọi khuôn khổ đàm phán về giải pháp chính trị cho Syria. Ả Rập Saudi còn là cừu thù của Iran nên lại càng không muốn có bất cứ sự công nhận vai trò nào dành cho Tehran, không tạo điều kiện để nước này phát huy ảnh hưởng và gây dựng vai trò ở khu vực. Vậy mà giờ, cả hai đều phải ngậm bồ hòn làm ngọt để lôi kéo Iran vào cuộc.
Sau khi tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Iraq và rút quân đội ra khỏi nước này, Tổng thống Barack Obama duy trì một bộ phận binh lính Mỹ ở Iraq nhưng không phải để trực tiếp tham chiến mà để huấn luyện và cố vấn cho quân đội, cảnh sát Iraq. Mỹ hậu thuẫn những lực lượng và tổ chức chống chính phủ ở Syria nhưng không đưa binh lính hay cố vấn đến Syria mà chỉ bằng tài chính, vũ khí và chính trị. Trong cuộc chiến tranh chống IS ở Iraq và Syria cho đến nay cũng vậy, Mỹ chỉ dùng hình thức không kích tên lửa và ném bom. Vậy mà giờ Mỹ đã lại tham chiến trực tiếp trên bộ, tuy với hình thức khác và mức độ nhỏ.
Nguyên do ở chỗ, tình thế ở Iraq và Syria đã diễn biến theo hướng bất lợi đối với Mỹ. Washington và các đồng minh trong liên quân không tiêu diệt được IS và nguy cơ bị sa lầy ở nơi đây ngày càng lớn. Càng kìm chân được Mỹ và đồng minh ở Iraq và Syria, IS càng có thể tập hợp những tổ chức và lực lượng Hồi giáo vũ trang cực đoan khác xung quanh mình. Việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria và trực tiếp tấn công quân sự vào IS đã hậu thuẫn Chính phủ Syria đứng vững và vì thế làm hủy hoại ý đồ chiến lược của Mỹ ở Syria.
Trong khi đó, không chỉ quan hệ song phương của Mỹ và Iran dần bớt băng giá sau khi đạt được thỏa thuận về định hướng giải pháp chính trị cho vấn đề hạt nhân của Iran, Iran có tiền đề thuận lợi để phát huy vai trò và đề cao ảnh hưởng ở khu vực. Mỹ phải tranh thủ Iran để phân hóa nội bộ giữa Iran, Syria và Nga. Tất cả những sự điều chỉnh này thật ra đều là bất đắc dĩ đối với Mỹ. Mỹ không muốn nhưng không có sự lựa chọn nào khác. Trong cái khó, Mỹ hiện mới chỉ ló ra cái cực chẳng đã này.
Ảnh minh họa
|