Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trụ vững ở mức 43 USD/thùng, giá dầu sắp có tuần tăng mạnh nhất hơn 3 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đang trên đà chứng kiến tuần leo dốc mạnh nhất trong hơn 3 tháng khi Ả Rập Saudi gây áp lực buộc các nước thành viên OPEC+ phải tuân thủ nghiêm hạn ngạch cắt giảm nguồn cung.

Trong phiên giao dịch ngày 18/9, giá dầu sụt nhẹ sau khi Tư lệnh Libya Khalifa Haftar cho biết lệnh phong tỏa đối với việc xuất khẩu dầu của Libya, vốn thực hiện từ tháng 1/2020, sẽ được dỡ bỏ.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 20 xu Mỹ, xuống 43,10 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 20 xu Mỹ, về mức 40,77 USD/thùng.
 Giá dầu đang trên đà thiết lập tuần tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng.
Tuy nhiên, tính chung trong tuần, giá cả hai mặt hàng dầu chủ chốt sắp đạt mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 6 do bão Sally ảnh hướng đến hoạt động sản xuất dầu của Mỹ, Ả Rập Saudi “ép” các đồng minh tuân theo hạn ngạch giảm sản lượng và dự đoán thiếu hụt nguồn cung của ngân hàng Goldman Sachs.
Giá dầu WTI đã leo dốc gần 11% kể từ phiên đầu tuần đến phiên ngày thứ Năm. Giá “vàng đen” đã tăng trở lại mức 41 USD/thùng trong phiên đầu tuần và chạm mức đỉnh lên hơn 43 USD/thùng khi kết thúc phiên 17/9, chủ yếu nhờ được hỗ trợ từ việc đồng USD suy yếu và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm bất ngờ.
Trong khi đó, Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán nguồn cung dầu thế giới sẽ thiếu hụt 3 triệu thùng/ngày trong quý IV/2020, đồng thời nhắc lại mục tiêu giá dầu Brent sẽ chạm mức 49 USD/thùng vào cuối năm nay và tăng lên 65 USD/thùng vào quý III/2021.
Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là nhóm OPEC+, đang cắt giảm tổng sản lượng dầu khoảng 7,7 triệu thùng/ngày.
Tại cuộc họp trực tuyến bàn về chính sách sản lượngngày 17/9, OPEC+ cảnh báo sẽ có hành động “xử lý” với các thành viên trong liên minh không tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Trong một tuyên bố, Ủy ban Giám sát Bộ trưởng chung (JMMC) cho biết sẽ khuyến nghị Hội đồng OPEC thông qua gia hạn cơ chế bồi thường, vốn dự kiến kết thúc vào tháng 9, cho đến cuối tháng 12/2020. Ủy ban cũng chốt mức tương hợp chung giữa các nước OPEC+ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng là 102% trong tháng 8, bao gồm Mexico.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman, đồng thời là Chủ tịch JMMC, cũng kêu gọi các thành viên OPEC+ tuân thủ đầy đủ việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh triển vọng phục hồi nhu cầu còn yếu ớt.
Ông Abdulaziz cho rằng những thành viên không tuân thủ kế hoạch cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ đang đe dọa tới uy tín và sự tín nhiệm của liên minh dầu mỏ này.
Bộ trưởng Abdulaziz khẳng định việc tuân thủ cắt giảm sản lượng không phải là một hành động “từ thiện”, mà hơn hết đó là một phần trong nỗ lực tập thể nhằm tối đa hóa lợi ích cho mỗi thành viên của OPEC+. Theo ông Abdulaziz , OPEC+ có thể tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào tháng 10 tới nếu thị trường dầu mỏ diễn biến xấu hơn.
“Dù không có điều chỉnh liên quan đến thỏa thuận giảm sản lượng hiện tại, OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, vẫn cho thấy họ không che giấu các rắc rối”, Bjornar Tonhaugen, giám đốc thị trường dầu tại Rystad Energy, cho hay.
Will Sungchil Yun - nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại VI Investment Corp, cho biết qua điện thoại từ Seoul: “Cảnh báo nghiêm khắc của Ả Rập Saudi
càng gia tăng tâm lý lạc quan trên thị trường sau khi giá dầu đã tăng mạnh khi tồn kho của Mỹ bất ngờ sụt giảm. Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ này chỉ kéo dài trong ngắn hạn, về lâu dài chúng tôi cần một tín hiệu mạnh mẽ và nhất quán rằng sự phục hồi nhu cầu đang thực sự diễn ra trên thị trường dầu mỏ”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế không đồng đều trên toàn cầu, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi nhấn mạnh rằng các nước thành viên OPEC+ nên chuẩn bị thực hiện các biện pháp cần thiết khi cần thiết và sẽ “chủ động” cũng như “phủ đầu” trước sự biến động của giá dầu mỏ.
Theo OPEC+, sự gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19 ở một số nước có thể kìm hãm nhu cầu đi lại và các hoạt động kinh tế, khiến tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Dù một số quốc gia đã nới lỏng những hạn chế, song nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm mới và sản lượng dầu thô cao hơn tiếp tục là nhân tố đè nặng lên giá “vàng đen”.

Ủy ban của OPEC+ không khuyến nghị điều chỉnh chính sách giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 8% nhu cầu toàn cầu. Thay vào đó, ủy ban này hối thúc các nước như Iraq, Nigeria và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cắt giảm sản lượng hơn nữa để bù đắp cho việc khai thác quá mức trong tháng 5 - 7, kéo dài giai đoạn bù đắp từ tháng 9 đến tháng 12./.