Không chỉ là khu vực có các nền kinh tế năng động cũng như đông dân nhất thế giới, Nam Á còn là tâm điểm cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai siêu cường Trung Quốc và Ấn Độ.
Mặc dù có nhiều điểm chung như đang phát triển kho vũ khí hạt nhân, đông dân và quan điểm về trật tự đa cực, Ấn Độ và Trung Quốc đang tăng cường phạm vi cạnh tranh sang các lĩnh vực mới quan trọng trong khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương.
So với Ấn Độ, Trung Quốc đang chiếm ưu thế ở Nam Á khi có nhiều hỗ trợ hơn đối với các chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia khác trong khu vực, đặc biệt là khả năng tiếp cận thị trường thế giới thông qua nhiều tuyến hàng hải quan trọng nối Ấn Độ Dương với những khu vực khác.
Không chỉ vậy, nhằm thách thức vị trí dẫn đầu khu vực về hải quân của Ấn Độ, Trung Quốc bố trí ngày càng nhiều lực lượng hải quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) ở Ấn Độ Dương.
Hơn nữa, với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Bắc Kinh đang giúp nhiều quốc gia Nam Á thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, đường biển, đường bộ và đường sắt. Điều này cũng giúp Trung Quốc tiến gần khát vọng xây dựng một cộng đồng an ninh chung trong khu vực.
Với nhiều quốc gia Nam Á tham gia vào BRI, đầu tư của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể. Từ năm 2018, Trung Quốc đã cam kết hoặc đầu tư hơn 150 tỷ USD vào các nước như Bangladesh, Maldives, Myanmar, Pakistan, Nepal, Sri Lanka và Afghanistan. Trong đó, Bắc Kinh hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Maldives, Pakistan và Sri Lanka.
Không những vậy, việc Trung Quốc thành lập một căn cứ quân sự ở Djibouti và việc chính quyền Sri Lanka cho phép một tàu giám sát quân sự của Bắc Kinh cập cảng Hambantota đã khiến cho New Delhi không thể nào ngồi yên. Trước tình hình đó, chính quyền ông Modi buộc phải xem xét lại chính sách đối ngoại của mình trong khu vực nếu như không muốn bị bỏ lại phía sau.
Đáp trả lại sự cạnh tranh quyết liệt của Trung Quốc, Ấn Độ đã thực hiện một số chính sách như 'Láng giềng trên hết” hay “Hướng Đông” nhằm tìm cách cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và phần còn lại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, New Delhi cũng đã mở rộng hạn mức tín dụng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, năng lượng và kết nối ở năm quốc gia trong khu vực Nam Á là Bangladesh, Maldives, Myanmar, Nepal và Sri Lanka. Nhằm hiện thực hóa những chính sách này, các tập đoàn Ấn Độ như Adani đã mở rộng hoạt động ở châu Á bằng các khoản vay ưu đãi cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tuy nhiên, nỗ lực của cả Trung Quốc và Ấn Độ đều gặp phải những thách thức nhất định. Đối với Trung Quốc, các khoản cho vay từ BRI đang vấp phải sự chỉ trích vì thiếu công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế bảo vệ người vay và quy mô khoản vay của Trung Quốc khiến các quốc gia chấp nhận đầu tư BRI gặp nhiều rủi ro.
Đối với Ấn Độ, sự không nhất quán trong can thiệp các vấn đề về tranh chấp lãnh thổ đã dấy lên lo ngại rằng New Delhi đang chỉ hành động với mục đích giành quyền đứng đầu Nam Á. Mọi việc càng khó khăn hơn khi Bangladesh và Nepal xuất hiện hiềm khích với Ấn Độ khi cáo buộc chính quyền ông Modi có động thái can thiệp vào chính trị của hai nước láng giềng. Còn với Bhutan, mối quan hệ thân thiết với New Delhi đang vô tình cản trở quan hệ song phương với nhiều quốc gia khác.
Trong bối cảnh khu vực Nam Á đang là tâm điểm của cuộc đua địa chính trị gay gắt, các quốc gia ở khu vực này cần phải có đường lối đối ngoại khôn khéo để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến chính trị, xã hội từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai siêu cường trên.