70 năm giải phóng Thủ đô

Trưng cầu dân ý Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến thắng không trọn vẹn

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc sửa đổi Hiến pháp theo hướng tăng thêm quyền lực cho Tổng thống.

Ông Sadi Guven - Chủ tịch Hội đồng bầu cử tối cao (YSK) xác nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý tối hôm Chủ nhật (16/4) giờ địa phương. Theo đó, số phiếu ủng hộ chiếm 51% và nhiều hơn số phiếu phản đối đến gần 1,3 triệu phiếu.
 Ông Erdogan trở thành "siêu" Tổng thống sau khi được tăng thêm quyền lực.
Điều này đồng nghĩa với việc quyền lực của Tổng thống sẽ được gia tăng gần như tuyệt đối. Tổng thống sẽ có quyền bổ nhiệm trực tiếp các Bộ trưởng, 12/15 thành viên Tòa án Hiến pháp và 6/13 thành viên Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên cấp cao. Tổng thống cũng có quyền sẽ lập ra ngân sách, có quyền giải tán Quốc hội và tuyên bố tình trạng khẩn cấp, vai trò của Quốc hội hầu như không còn nhiều. 

Hiện, các nước vẫn còn khá dè dặt trước kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, một thực tế trước mắt là cuộc trưng cầu đã phản ánh sự chia rẽ trong nội bộ nước này. Sự bất đồng đã xuất hiện ngay trong tối Chủ nhật, khi đại diện phe đối lập cáo buộc các kết quả đã không được kiểm đếm đầy đủ và tuyên bố sẽ kiểm lại 1/3 kết quả. Theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu, 3 TP lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả Istanbul đã bỏ phiếu "Không". Một số người đã xuống đường biểu tình, thậm chí đập phá đồ đạc để phản đối kết quả.
Ngoài ra, kết quả này dự báo quan hệ hợp tác giữa Ankara và châu Âu sẽ phức tạp hơn khi trước đó, một số nước châu Âu đã cấm các Bộ trưởng trong chính quyền Ankara nhập cảnh để vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ việc mở rộng quyền lực cho Tổng thống. Từ trước đến nay, các nước châu Âu vẫn cho rằng, luật pháp Thổ Nhĩ Kỳ trao quá nhiều quyền cho Tổng thống và vi phạm các giá trị tự do, dân chủ do phương Tây đặt ra. Đây cũng chính là lý do mà Liên minh châu Âu (EU) trì hoãn việc gia nhập tổ chức này của Ankara, khiến cho chương trình hợp tác trong việc giải quyết vấn đề di cư với EU đứng trên bờ vực sụp đổ.