Trưng cầu dân ý về việc rời hay ở lại EU: Nước Anh “xẻ nửa”

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 23/6, nước Anh đã bước vào cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc “rời đi” hay “ở lại” Liên minh châu Âu (EU). Dù kịch bản nào diễn ra thì quốc đảo này cũng sẽ có những cái “được” và “mất” riêng.

Đong đếm thiệt, hơn

Nếu rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), thiệt hại lớn nhất đối với nước Anh là vấn đề kinh tế. Theo ước tính, nền kinh tế quốc đảo này sẽ suy giảm trong 5 năm tới, tổn thất tương đương 100 tỷ USD. Đồng Bảng trượt giá 20% và khoảng 1 triệu người thất nghiệp do hàng trăm DN từ bỏ xứ sở sương mù.
Người dân Anh tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Người dân Anh tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Đặc biệt, với vai trò là “lá phổi” tài chính châu Âu, rời EU sẽ khiến London mất vị thế trọng yếu của một trung tâm tài chính và cánh cổng kết nối thị trường thế giới với lục địa già. Mậu dịch tự do - một trong những lợi ích lớn nhất khi là thành viên của EU cũng biến mất nếu Brexit thành hiện thực. Trong khi đó,
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng kép gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Anh rời EU, triển vọng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ bị ảnh hưởng do chưa được phê chuẩn bởi Nghị viện châu Âu. Và đàm phán về hiệp định này khi đó phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, nếu Brexit diễn ra, đồng Bảng biến động mạnh sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hiệp ước Schengen cho phép đi lại tự do trong EU đã mở ra hàng loạt những cơ hội việc làm cho người lao động Anh cũng như cơ hội tuyển dụng của DN nước này. Do đó, nước Anh sẽ đối diện rủi ro xói mòn vị thế kinh tế khi rời khỏi khối 28 nước thành viên.

Tầm ảnh hưởng về quân sự của nước Anh cũng có thể sẽ bị tổn hại. Với Mỹ, vai trò đồng minh quan trọng của nước Anh sẽ hao mòn nếu nước này rời EU. Ở một kịch bản tồi tệ hơn, xứ sở sương mù có thể sẽ tự cô lập mình, trở thành một “kẻ ngoại đạo” ở châu Âu, và chính sự tham gia hạn chế vào thị trường chung khiến nước Anh gần như không có tầm ảnh hưởng và có rất ít đồng minh. Chính phủ Anh cảnh báo, khi người dân chọn con đường “ra đi”, có thể phải mất tới 10 năm để nước này giải quyết mọi vấn đề.

Theo những người không còn mặn mà với mái nhà chung EU, nếu “ra đi”, nước Anh sẽ thoát khỏi những chính sách cứng nhắc, nguy cơ bị khủng bố tăng cao, mai một bản sắc văn hóa lâu đời của một đế chế đảo quốc. Nước Anh sẽ tự do và tự chủ hơn nếu không còn là một phần của khối liên minh lâu đời này. Những người ủng hộ Brexit cũng khẳng định, Anh chỉ có thể “hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng hơn trong một EU đã được cải cách”. Tuy nhiên, niềm tin vào những cải cách này xem ra đã mất từ lâu. Hơn thế nữa, Anh vẫn có vị thế là nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7). Bên cạnh đó, Anh sẽ tự chủ hơn trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các nước ngoài EU, đồng thời không còn phải chi 8,5 tỷ bảng đóng góp vào ngân sách của EU như trước. Anh cũng sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn để tránh xa những rủi ro về tài chính tại châu Âu.

Giờ phút quyết định

Ước tính có hơn 46,5 triệu cử tri Anh tham gia cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6. Theo giờ địa phương, ngày 23/6, 382 điểm bỏ phiếu mở cửa từ 7 giờ sáng đến 22 giờ đêm (13 giờ ngày 23/6 - 4 giờ sáng 24/6 giờ Việt Nam). Ủy ban Bỏ phiếu dự tính, kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 23/6 giờ địa phương (5 giờ 30 phút sáng 24/6 giờ Việt Nam). Số liệu chính thức sẽ được kết luận vào khoảng 5 giờ sáng 24/6 giờ địa phương (11 giờ trưa 24/6 giờ Việt Nam) và được công bố vào 7 giờ sáng 24/6 giờ địa phương (13 giờ trưa 24/6 giờ Việt Nam). Kết quả ở các điểm bỏ phiếu địa phương được thu thập theo 12 khu vực, sau đó tổng kết thành kết quả toàn quốc. TP Sunderland dự kiến là khu vực công bố kết quả cuối cùng. Với dân số chủ yếu là người cao tuổi, thu nhập thấp, số lượng cử tri ủng hộ Anh rời EU dự kiến tại đây khá lớn. Các nhà phân tích cũng dự đoán, những điểm công bố kết quả áp chót sẽ mang lại bứt phá cho số lượng phiếu ủng hộ Brexit.

Kể từ khi “rục rịch” chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý này, nước Anh đã bị chia rẽ vì vấn đề Brexit từ chính trường, thương trường tới các thế hệ người dân, đỉnh điểm là vụ nữ nghị sĩ Jo Cox với chủ trương ủng hộ Anh ở lại EU bị bắn thiệt mạng hôm 17/6. Các nhà phân tích cho rằng, có rời EU hay không thì nước Anh cũng đã bị “chia đôi xẻ nửa” vì sự kiện này. Như vậy, bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý có ra sao, một trong nhiệm vụ sống còn sắp tới của nước Anh là đoàn kết và thống nhất lại mục tiêu chung.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần