Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Đông có trở thành "đấu trường" mới của Mỹ-Trung?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc nên cân nhắc bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách Trung Đông một cách thận trọng để tránh biến khu vực này thành chiến trường địa chính trị tiếp theo với Mỹ, SCMP dẫn cảnh báo từ một viện nghiên cứu nổi tiếng của Trung Quốc.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Ả Rập chụp ảnh chung trong Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập ở Riyadh vào tháng 12/2022. Ảnh: SCMP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Ả Rập chụp ảnh chung trong Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-Ả Rập ở Riyadh vào tháng 12/2022. Ảnh: SCMP

Trong một bài viết đăng trên nền tảng truyền thông xã hội WeChat tuần này, Niu Xinchun, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), cho biết chính sách Trung Đông của nước này sẽ không thay đổi nhiều.

Trong vài năm tới, chính sách của Trung Quốc tại đây vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào quan hệ kinh tế hơn là quân sự. 

Nin cho rằng khi xây dựng chiến lược Trung Đông, Trung Quốc nên tránh bị lôi kéo vào “trò chơi cường quốc” với Mỹ - như đã xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và châu Âu.

“Trong một thời gian dài, Trung Quốc chủ yếu tham gia vào các vấn đề kinh tế ở Trung Đông,” Niu viết, đồng thời cho biết thêm rằng cần phải điều chỉnh các ưu tiên chiến lược toàn cầu và phân bổ nguồn lực nếu chuẩn bị cho một trò chơi quyền lực lớn ở Trung Đông.

Chuyên gia này cho rằng: “Về các vấn đề kinh tế, Trung Quốc có thể duy trì mối quan hệ cân bằng với tất cả các nước trong khu vực. Trong khi nếu đi sâu vào lĩnh vực quân sự và chính trị, thì gần như không thể duy trì mối quan hệ như vậy”.

“Có thể dự đoán rằng, nếu không phải do các trường hợp khẩn cấp lớn gây ra, Trung Quốc sẽ không chủ động điều chỉnh đáng kể chính sách Trung Đông hiện tại, nhưng sẽ cẩn thận quan sát và điều chỉnh trong khi tương tác với Mỹ.”

Có dự đoán Trung Đông có thể trở thành đấu trường cạnh tranh tiếp theo giữa hai nước, khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng dấu ấn của mình trong khu vực và Mỹ xoay trục.

Tuy nhiên, chuyên gia Niu cho biết Mỹ và Trung Quốc không có xung đột lớn trong khu vực vì trọng tâm và cách tiếp cận của họ khác nhau, nghĩa là họ có thể tìm cách cùng tồn tại.

“Từ góc độ ảnh hưởng khu vực, Mỹ có lợi thế về an ninh, còn Trung Quốc có lợi thế về kinh tế… ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ ở Trung Đông về bản chất là khác nhau, không thể thay thế lẫn nhau”. 

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Cận Đông, bà Barbara Leaf, cho biết lịch sử an ninh và quốc phòng của Mỹ trong khu vực mang lại cho nước này một “lợi thế rõ ràng” so với Trung Quốc. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Trung Đông trong nhiều năm, trong khi Trung Quốc là khách hàng mua dầu khí lớn nhất trong khu vực.

Mặt khác, “xung đột gay gắt nhất” giữa Mỹ và Trung Quốc ở Trung Đông là về công nghệ, khi họ cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông 5G, không gian và vũ khí.

Trung Quốc đã tăng cường hợp tác công nghệ với Trung Đông trong thập kỷ qua, với năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ và vệ tinh, và năng lượng mới được liệt kê là những lĩnh vực đầy triển vọng trong chiến lược 1+2+3 mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra cho chính sách Trung Đông vào năm 2016. 

Ngoài hàng chục thỏa thuận và đề xuất về mở rộng hợp tác thương mại và năng lượng truyền thống, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Trung Quốc với các nước Ả Rập và vùng Vịnh ở Ả Rập Saudi vào tháng 12 cũng đưa ra một thỏa thuận mang tính bước ngoặt để Huawei cung cấp dịch vụ điện toán đám mây ở vương quốc này và một đề xuất thành lập một trung tâm thám hiểm không gian và mặt trăng Trung Quốc-vùng Vịnh.

Trong khi đó, đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ và cơ sở hạ tầng nhạy cảm ở Israel đã bị giám sát chặt chẽ hơn do lo ngại về an ninh quốc gia.

Theo chuyên gia này, dù Mỹ và Trung Quốc đã có một số "xung đột chiến thuật" ở Trung Đông, nhưng hiện tại chúng không đủ mạnh để làm mối quan hệ xấu đi.