Vào tuần trước, Trung Quốc và EU đã kết thúc vòng đàm phán thứ 32 về Hiệp định Đầu tư song phương. Đây là những nỗ lực mới nhất từ hai phía nhằm hướng tới mục tiêu sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay.
Đại sứ Trung Quốc tại EU Zhang Ming khi trả lời báo giới cho biết cả Trung Quốc và EU đã đạt được nhưng tiến triển tích cực về lĩnh vực chuyển giao công nghệ, trợ cấp chính phủ và DN nhà nước, trong khi vẫn đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách đối với những vấn đề khác như mở cửa thị trường và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, tờ South China Morning Post dẫn lời nguồn tin từ EU cho rằng Bắc Kinh cần tích cực hơn trong việc tạo điều kiện cho DN nước ngoài tiếp cận các lĩnh vực như vận tải, năng lượng, xử lý nước, du lịch hay dịch vụ.Theo đó, nếu Trung Quốc không thay đổi như kỳ vọng, EU sẽ có các động thái mạnh mẽ hơn thông qua thay đổi chính sách trợ cấp nhà nước, cũng như áp dụng các biện pháp hạn chế theo nguyên tắc “có đi có lại” về thị trường và đầu tư.Ở thời điểm khi đại dịch Covid-19 và căng thẳng ngoại giao với Mỹ đang tác động nặng nề tới nền kinh tế nội địa, Trung Quốc đang kỳ vọng Hiệp định Đầu tư với EU sẽ là một vị cứu tinh cho nền kinh tế.Nhưng rõ ràng, điểm nghẽn hiện nay đối với một hiệp định mà quá trình đàm phán đã kéo dài trong hơn 7 năm là bất đồng về hoạt động của khu vực DNNN tại Trung Quốc.“Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay vẫn không làm thay đổi định hướng chính sách của Trung Quốc về vai trò của DN nhà nước trong hoạt động công nghiệp và công nghệ”, Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator có trụ sở ở Berlin, Đức, nhận định.Trước đó, trong kế hoạch hành động 3 năm được công bố vào tháng 7, chính phủ Trung Quốc đã tái khẳng định mục tiêu tăng cường vai trò của DNNN trong nền kinh tế. Về phía ngược lại, các DN nước ngoài đã bày tỏ sự không hài lòng khi Bắc Kinh tiếp tục hạn chế quyền tiếp cận thị trường nhằm bảo hộ DN nội địa.Vào tháng 6, EU đã công bố sách trắng đề xuất những biện pháp đối phó với các hành vi bóp méo hoạt động của thị trường thông qua hành vi trợ cấp của chính phủ nước ngoài, trong đó bao gồm giám sát chặt chẽ hoạt động góp vốn hay tham gia đấu thầu mua sắm công của nhà đầu tư nước ngoài.Tiếp theo bước đi này, một báo cáo của Phòng Thương mại EU trong tháng 9 cũng khuyến cáo Trung Quốc dường như đang có “cách nhìn khác” các đối tác thương mại, khi “không coi tiếp cận thị trường là một quyền, mà là đặc quyền có thể bị xoá bỏ hoặc duy trì, phụ thuộc vào ý chí các nhà lãnh đạo trong việc định hướng dòng vốn nước ngoài chảy vào những lĩnh vực và thời điểm mà họ mong muốn”.Ngoài Hiệp định Đầu tư, Bắc Kinh cũng hy vọng sẽ sớm hoàn tất đàm phán về Thỏa thuận Hợp tác Chiến lược 2025 giữa Trung Quốc và EU, trong đó bao gồm các dự án hợp tác về an ninh, chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, EU cho rằng khối này sẽ ưu tiên tập trung vào hoàn tất Hiệp định Đầu tư song phương.