Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP, liệu có cửa?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất kỳ cuộc đàm phán nào để Trung Quốc có thể gia nhập Hiệp định này cũng sẽ không đơn giản, theo giới phân tích.

Bloomberg ngày hôm nay (17/9) đưa tin, Trung Quốc đã chính thức đệ trình đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho New Zealand, quốc gia đang giữ vai trò như là thư ký và lưu trữ của Hiệp định
Theo giới quan sát, động thái này chắc chắn sẽ khiến Washington đáp trả. Một số nhà lập pháp Mỹ từng bày tỏ quan ngại với nỗ lực tham gia CPTPP của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn tái gia nhập Hiệp định.  
Tính toán của Bắc Kinh
CPTPP ban đầu được Mỹ miêu tả như một khối kinh tế nhằm đối trọng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, khi Tổng thống Barack Obama năm 2016 khẳng định rằng Mỹ, chứ không phải Trung Quốc, nên là bên đưa ra các quy tắc thương mại trong khu vực. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông – Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận năm 2017, và Nhật Bản đã dẫn đầu những nỗ lực sửa đổi để thỏa thuận được hoàn tất vào năm 2018.
Trung Quốc là quốc gia thứ hai đăng ký tham gia CPTPP, sau khi Anh đề nghị gia nhập vào đầu năm nay.
 Hiệp định CPTPP hiện có 11 thành viên tham gia. 
Theo Hosuk Lee-Makiyama, giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu tại Brussels, đây là một tính toán hoàn toàn hợp lý của giới lãnh đạo Trung Quốc. “Với cách thị trường Trung Quốc đang thúc đẩy phục hồi kinh tế, con bài đánh cược họ đưa ra hiện đang ở mức cao nhất. Hay đúng hơn, chi phí từ chối đơn đăng ký của Trung Quốc sẽ không bao giờ cao đến mức này “, chuyên gia này cho biết.
Theo Bloomberg, động thái của Bắc Kinh cũng làm nổi bật tình hình địa chính trị ở châu Á, nơi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại chính của nhiều quốc gia, và đang tăng cường cạnh tranh với Mỹ. Australia, Singapore, New Zealand và Nhật Bản là các thành viên CPTPP và là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng cùng với Trung Quốc, các nước này cũng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), được đàm phán thành công vào năm ngoái.
Phản ứng của các thành viên CPTPP
Căng thẳng quân sự, ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất trong CPTPP, ngày càng gia tăng do sự hiện diện quân sự của Trung Quốc xung quanh các đảo hai bên cùng có tuyên bố chủ quyền.
Trước động thái xin gia nhập của Trung Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu hôm 17/9 tuyên bố:  “Nhật Bản sẽ xem xét nghiêm túc liệu nước này có sẵn sàng đạt được những tiêu chuẩn cấp cao của CPTPP hay không”. “Chúng tôi sẽ trao đổi với các nước thành viên khác và giải quyết vấn đề này, nhất là các vấn đề chiến lược,” ông Toshimitsu cho biết và bổ sung rằng đơn xin gia nhập của Anh sẽ được xem xét trước.
Bản đồ so sánh giá trị của 2 hiệp định thương mại tự do CPTPP và RCEP hiện nay. Ảnh: Bloomberg

Việc Trung Quốc đề nghị gia nhập CPTPP được đưa ra chưa đầy một ngày sau khi Australia, Mỹ và Anh tuyên bố ba nước sẽ tham gia một thỏa thuận quốc phòng trong nỗ lực đối lại sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhanh chóng lên tiếng về thỏa thuận đó, nhưng giờ họ cũng cần đàm phán với Australia và có thể là Anh về việc gia nhập CPTPP.
Bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ không đơn giản - Trung Quốc và Australia đang có tranh chấp kinh tế và thương mại, hiện ​​Bắc Kinh áp dụng thuế quan và chặn hàng tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Canberra. Bên cạnh đó, Canada – một thành viên khác của Hiệp định cũng đang vướng mắc với Trung Quốc sau vụ kiện của lãnh đạo Tập đoàn Huawei.
Một số thành viên Quốc hội Mỹ đã kêu gọi nước này tái gia nhập CPTPP hoặc đóng vai trò tích cực hơn về ngoại giao thương mại trong khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Biden chưa công bố bất kỳ chính sách thương mại cụ thể nào liên quan đến khu vực này, dù có thông tin rằng Washington đang thảo luận một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số bao gồm các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Nghi ngại về tư cách thương mại của Trung Quốc
Một cựu quan chức thương mại Mỹ cho biết, rất khó để đảm bảo Trung Quốc có đủ tư cách gia nhập do cơ chế và đường lối thương mại tập trung vào kiểm soát nội địa.
“Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để Trung Quốc có thể tuân thủ các quy tắc thương mại của CPTPP từ điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh, luật lao động, thương mại điện tử, luồng thông tin minh bạch… cho đến các cam kết tiếp cận thị trường toàn diện khác”, Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á - cựu quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Aso Taro cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu của CPTPP. "Trung Quốc có đủ điều kiện tham gia không?”, ông Aso đặt câu hỏi trong một sự kiện ở Tokyo hôm 17/9. “Từ quan điểm của 11 quốc gia sẽ tiếp nhận thành viên mới, ngay bây giờ chúng tôi đang tự hỏi: Điều này có nên không? Có thực tế không?'"
CPTPP đứng thứ ba trong số các hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới sau Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trị giá 26 nghìn tỷ USD và Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada trị giá 21,1 nghìn tỷ USD. Việc Trung Quốc bổ sung vào CPTPP sẽ biến nó trở thành hiệp định thương mại tự do có giá trị nhất từng được ký kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần