Tối ngày 5/1, Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Kiến thiết đô thị - nông thôn Trung Quốc Nghê Hồng đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để nhắc lại lời cam kết của Chính phủ, nhằm tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản.
Phát biểu với truyền thông nhà nước, ông Nghê Hồng hứa sẽ "hỗ trợ mạnh mẽ" cho những người mua nhà lần đầu bằng cách hạ thấp tỷ lệ thanh toán và lãi suất thế chấp. Quan chức này nói rằng sẽ có "sự hỗ trợ hợp lý" cho những người mua ngôi nhà thứ hai, và "sự hỗ trợ chính sách" cho những người muốn mua một ngôi nhà tốt hơn cho một đại gia đình.
Nhận xét của ông được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ra thông báo mới vào tối cùng ngày. Theo đó, nếu giá nhà mới xây giảm 3 tháng liên tiếp trong một năm, chính quyền địa phương có thể chọn duy trì, hạ thấp hoặc thậm chí loại bỏ lãi suất tối thiểu đối với các khoản vay cho ngôi nhà đầu tiên.
Những tín hiệu tích cực từ chính quyền Bắc Kinh đã khiến Chỉ số bất động sản Đại lục Hang Seng tăng 1,6% vào chiều ngày 6/1. Cổ phiếu của các nhà đầu tư bất động sản Longfor Properties và Country Garden lần lượt tăng 3,7% và 2,3%. Giới phân tích nhận định, cả hai động thái đều báo hiệu nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản và kích cầu thị trường trong năm 2023.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã bị xáo trộn bởi giá nhà sụt giảm, doanh số bán hàng thấp và cuộc khủng hoảng nợ làm tê liệt các nhà đầu tư lớn. Đây là một trong những ngành quan trọng nhất của đất nước, có vai trò lớn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, 38 TP, bao gồm thành phố cảng Thiên Tân, trung tâm sản xuất Trường Xuân và thành phố ven biển Hạ Môn, đã chứng kiến giá nhà mới giảm trong 3 tháng liên tiếp gần đây. Giá trị giao dịch nhà mới đạt khoảng 10.800 tỷ Nhân dân tệ (1.580 tỷ USD) tính đến cuối tháng 10, thấp hơn khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
PBoC giải thích rằng động thái liên kết chính sách lãi suất với xu hướng giá nhà mới, và điều chỉnh nó cho phù hợp, sẽ giúp "hỗ trợ tốt hơn nhu cầu nhà ở và hình thành một cơ chế lâu dài giúp tăng trưởng ổn định và lành mạnh của lĩnh vực bất động sản".
Thông báo hôm 5/1 được cho là phần mở rộng của một chính sách được Chính phủ Trung Quốc công bố hồi tháng 9 năm ngoái. Dữ liệu do Viện nghiên cứu Beike tổng hợp cho thấy, tỷ lệ thế chấp đối với ngôi nhà thứ nhất và thứ hai trong tháng 12/2022 ở mức thấp kỷ lục lần lượt là 4,09% và 4,91%.
Yan Yuejin, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải cho biết thông báo này đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng "chính sách tín dụng sẽ tiếp tục được nới lỏng vào năm 2023", với trọng tâm là hỗ trợ nhu cầu nhà ở. Ông hy vọng sẽ có thêm nhiều thành phố hạng hai và hạng ba giảm hoặc loại bỏ tỷ lệ thế chấp tối thiểu.
Li Yujia, chuyên gia kinh tế tại Viện Thiết kế và Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quảng Đông, cho biết cả hai động thái của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý nhà ở đều nhằm mục đích "tạo động lực để hướng dẫn và cải thiện kỳ vọng của thị trường" nhằm "ổn định nhu cầu nhà ở nhanh nhất có thể". Chuyên gia này tin rằng đây là thời điểm thích hợp và có thể đưa thị trường đi đúng hướng suốt cả năm.
"Để thiết lập một khởi đầu mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế, thật tuyệt vời khi chứng kiến doanh số bất động sản đạt mức cao nhất trước và sau Tết Nguyên đán" - ông Li nói - "Hai năm qua, nhiều người không về quê ăn Tết, người dân cũng không có nhu cầu mua nhà do dịch bệnh. Chính sách này nhằm kích cầu thị trường".
Tyran Kam, người đứng đầu bộ phận bất động sản Trung Quốc tại Fitch Ratings, kỳ vọng các biện pháp và tín hiệu nới lỏng sẽ tiếp tục trong năm nay vì Bắc Kinh "cam kết ổn định lĩnh vực bất động sản".
"Việc Trung Quốc thoát khỏi các chính sách zero-Covid, mặc dù có khả năng dẫn đến sự biến động trong ngắn hạn, nhưng lại có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế. Nới lỏng hạn chế cộng với những hỗ trợ này sẽ tác động tích cực tâm lý người mua nhà, nhất là ở các thành phố lớn" - ông Tyran nhận định.