KTĐT - Vijay Mahajan, tác giả của báo cáo Africa Rising, cho biết ở châu Phi, có khoảng 50 đến 150 triệu người có khả năng tài chính tương đương với tầng lớp trung lưu ở phương Tây.
Trung Quốc tăng cường xây dựng vị thế tại châu Phi và đi trước thế giới một bước trong việc phát hiện tiềm năng tiêu thụ của châu lục đen, nơi có một nửa dân số sống trong nghèo đói.
Ngày 20/10, Trung Quốc tuyên bố sẽ xóa 150 khoản nợ cho 32 nước châu Phi. Thông báo được đưa ra chỉ ít ngày trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc và đại diện phía Kenya, bàn luận về khả năng hợp tác giữa hai nước. Gần đây nhất, hôm 8/11, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tham dự lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4, nằm trong Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi tổ chức tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Những động thái của Trung Quốc thời gian gần đây khiến thế giới phải băn khoăn xem nền kinh tế mới nổi của châu Á đang tìm kiếm gì ở châu lục đen. Hồi 2006 khi Trung Quốc tuyên bố "Năm châu Phi" và trải thảm đỏ mời những nhà lãnh đạo từ 17 quốc gia, thế giới cho rằng mối quan tâm chính của Trung Quốc là dầu mỏ và khoáng sản. Tuy nhiên, giờ đây người ta nhận ra rằng nước này có nhiều tham vọng hơn thế.
Trong khi Ấn Độ được thế giới nhìn nhận như một thị trường tiêu thụ sẽ phát triển trong tương lai, số liệu thống kê cho thấy châu Phi cũng tiềm năng không kém. Trong một thập kỷ qua, kinh tế châu Phi phát triển với tốc độ tương đương Ấn Độ từ 6 đến 7% và được dự báo sẽ tăng trưởng từ 3 đến 5% trong năm 2009, một thành tích đáng nể trong suy thoái toàn cầu. Thu nhập bình quân đầu người của châu Phi cũng tương đương với Ấn Độ. Dân số hai thị trường này đang sinh sôi và sẽ tương đương với Trung Quốc trong một vài thập kỷ tới, theo nhận định của thời báo Time.
Vijay Mahajan, tác giả của báo cáo Africa Rising, cho biết ở châu Phi, có khoảng 50 đến 150 triệu người có khả năng tài chính tương đương với tầng lớp trung lưu ở phương Tây. Ngoài ra, có khoảng 350 đến 500 triệu người châu Phi nằm trong tầng lớp dư dật. Những người này có nhà cửa và việc làm ổn định. Họ cũng uống Coca-Cola, thích điện thoại di động và khao khát sở hữu ô tô hoặc xe máy.
Trong khi các quốc gia phương Tây chỉ nhìn thấy châu Phi với một nửa dân số trong tình trạng đói nghèo, Trung Quốc lại tập trung vào nửa còn lại, những người có khả năng mua áo phông, giày dép, xe đạp do dán nhãn "Made in China". Bộ Thương mại Trung Quốc đang có rất nhiều ưu đãi cho các công ty muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu lục đen. Bên cạnh xây dựng và khai thác khoáng sản, ngành bán lẻ và sản xuất cũng được khuyến khích. Bắc Kinh hy vọng với các khoản viện trợ, họ sẽ được trả công xứng đáng và là nhà sản xuất đầu tiên tiếp cận với thị trường tiêu thụ châu Phi khi người dân lục địa đen sẵn sàng tiêu tiền.