Trung Quốc đối mặt "bước ngoặt dân số" tác động xấu tới nền kinh tế

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Reuters ngày 12/5 dẫn lời Viện Chính sách Nhà nước Trung Quốc cho biết, dự kiến từ năm 2026 - 2030, nước này sẽ chứng kiến "bước ngoặt dân số" mới, khi tình hình dân số đang tiếp tục giảm dẫn tới khả năng đảo ngược đà tăng trưởng kinh tế.

Người dân Thượng Hải đi lại tấp nập dọc khu mua sắm hôm 10/5. Ảnh: Reuters 
Theo kết quả của cuộc điều tra dân số toàn quốc được công bố hôm 11/5, quốc gia đông dân nhất thế giới đã chứng kiến mức tăng dân số thêm 5,38% trong thập kỷ qua, lên 1,41 tỷ người. Đây được cho là tốc độ tăng chậm nhất của nước này kể từ những năm 1950.

Trung Quốc đã bỏ lỡ mục tiêu tăng dân số lên khoảng 1,42 tỷ người vào năm 2020. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống còn 1,3 trẻ em trên 1 phụ nữ, cách mục tiêu khoảng 1,8. Năm 2020, chỉ có 12 triệu trẻ sơ sinh Trung Quốc được sinh ra, thấp nhất kể từ năm 1961.

Mức sinh giảm do chính sách "Một con" kéo dài hàng thập kỷ, chi phí sinh hoạt tăng và xã hội dần thay đổi. Dự kiến, số lượng người trẻ và trong độ tuổi lao động của Trung Quốc bắt đầu giảm, kéo theo nhiều vấn đề đối với nền kinh tế mà lâu nay dựa vào cái gọi là "lợi tức dân số" để củng cố tăng trưởng.

Bình luận trên tờ Economic Daily, Giáo sư Zhai Zhenwu - chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc - cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ Bắc Kinh, còn được gọi là Kế hoạch 5 năm lần thứ XIV, dự kiến sẽ là kỳ cuối cùng chứng kiến sự gia tăng dân số trong thế kỷ này.

"Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ XV, Trung Quốc sẽ chứng kiến bước ngoặt về dân số. Bước vào kỷ nguyên tăng trưởng dân số bằng 0 hoặc thậm chí âm là một thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ đối với Trung Quốc, tác động đến nguồn cung lao động chất lượng cao và nhu cầu của người tiêu dùng", Giáo sư Zhai cho biết.

Ernan Cui, nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, cho biết, dân số có thể đạt đỉnh trước năm 2025 khi mức sinh giảm. Đồng thời, tỷ lệ người cao tuổi cũng sẽ tiếp tục tăng lên.

"Dân số già sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho lương hưu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời đẩy tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình xuống. Cả 2 yếu tố này sẽ hạn chế khả năng của Chính phủ trong việc tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư trong những thập kỷ gần đây", chuyên gia Cui nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần