Trung Quốc gấp rút cải cách luật trước căng thẳng Đài Loan

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh sẽ rút ngắn quy trình xây dựng luật chỉ qua một cuộc họp thay vì 6 tháng trước đây, một động thái đặt đất nước vào tâm thế "thời chiến".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào 5/3. Nguồn: Nikkei Asia
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào 5/3. Nguồn: Nikkei Asia

Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc có thể đưa dự luật ra biểu quyết ngay chỉ sau một cuộc họp đối với trường hợp khẩn cấp – trước đây thường mất nửa năm hoặc hơn, theo Nikkei Asia.

Sửa đổi này dự kiến sẽ được thông qua vào ngày 13/3 - ngày cuối cùng của phiên họp. Sau tám năm, Luật Lập Pháp này đã được xem xét sửa đổi.

Đồng thời, một loạt bộ luật được đề xuất dưới thời ông Tập nhằm chuẩn bị cho những căng thẳng lớn có khả năng nổ ra ở Đài Loan.

Trong số đó, một đạo luật cho phép nhanh chóng động viên cựu quân nhân ra tiền tuyến đã có hiệu lực trong tháng này. Ngoài ra, cũng có nhiều sửa đổi khác như Luật Huy động Quốc phòng nhằm đảm bảo nguồn nhân sự và các nguồn lực khác trong thời chiến.

Thông thường, quá trình lập pháp thường trải qua ba vòng thảo luận. Tuy nhiên, Luật hiện hành cho phép bỏ phiếu chỉ sau hai cuộc họp khi có sự nhất trí chung hoặc chỉ cần một cuộc họp khi có sự đồng thuận sửa đổi đối với một phần luật.

Thế nhưng việc sửa đổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa giải thích được đâu là tình trạng khẩn cấp. Mặc dù, nếu xét trên nguyên tắc thì Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao của Trung Quốc, tuy nhiên trên thực tế, Đảng Cộng sản do ông Tập Cận Bình lãnh đạo mới thực sự nắm giữ quyền lực.

Các sửa đổi được đề xuất sẽ lấy "Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới" làm nguyên tắc định hướng cho việc xây dựng luật, cùng với đó là "Tư tưởng Mao Trạch Đông" và "Lý luận Đặng Tiểu Bình". Bên cạnh đó, học thuyết "Ba đại diện" của Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và "Triển vọng khoa học về phát triển" của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cũng sẽ được thêm vào nhằm tăng cường sức ảnh hưởng của ông Tập.

Chúng cũng sẽ kết hợp với mô hình "hiện đại hóa kiểu Trung Quốc" - một mô hình phát triển được ông Tập giới thiệu tại đại hội đảng vào tháng 10 – nhằm thúc đẩy sự trẻ hóa của dân tộc Trung Hoa trên mọi mặt.

Các phần "cải cách và mở cửa với thế giới bên ngoài" và "lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm" - vốn bị bỏ ở các dự thảo trước đó – đã được đưa vào thảo luận trở lại. Cũng có lo ngại rằng luật kinh tế có thể ít được ưu tiên hơn.

Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo đảng cũng có nhiều đóng góp hơn dưới thời ông Tập. Luật đã sửa đổi từ quy định Ủy ban Thường vụ họp hai tháng một lần thành có thể họp bất kỳ lúc nào. Cơ quan này đã thông qua luật an ninh Hồng Kông năm 2020 khi chỉ với hai cuộc họp trong hơn một tuần.

Lật Chiến Thư, một trong những lãnh đạo thân tín nhất của ông Tập, đã được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Thường vụ vào tháng 3/2018. Thay cho ông là ông Triệu Lạc Tế - cũng là thân cận của ông Tập.

Luật Lập pháp được thông qua vào năm 2000 dưới thời Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân nhằm cải thiện tính minh bạch trong quy trình làm luật và thể hiện nỗ lực cải cách và mở cửa của Bắc Kinh, tạo sức hút với đầu tư nước ngoài. Luật này cũng khẳng định nỗ lực của Trung Quốc trong việc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới.