Trung Quốc giáng đòn vào "tử huyệt" kinh tế Nhật Bản

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản để đáp trả việc Công ty Điện lực Tokyo xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển đã giáng một đòn mạnh vào ngành thủy sản Nhật Bản.

Bắc Kinh hôm 24/8 tuyên bố sẽ đình chỉ toàn bộ việc nhập khẩu thủy sản Nhật Bản trong một thời gian không xác định, bổ sung vào các biện pháp trước đó. Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hầu hết các sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh gần Fukushima.

Bộ trưởng Thủy sản Tetsuro Nomura cho biết trong cuộc họp báo sáng nay rằng phản ứng của Trung Quốc “đi ngược lại động thái toàn cầu nhằm bãi bỏ quy định và loại bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu thực phẩm từ Nhật Bản và rất đáng thất vọng”.

Là quốc gia có bờ biển bao quanh, Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về hoạt động đánh bắt cá, có nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Reuters
Là quốc gia có bờ biển bao quanh, Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về hoạt động đánh bắt cá, có nguồn lợi thủy sản phong phú. Ảnh: Reuters

 Vào những năm 1980, Nhật Bản tự hào về sản lượng đánh bắt lớn nhất thế giới. Khi thị trường nội địa bị thu hẹp do các yếu tố như dân số giảm và thay đổi trong chế độ ăn uống, nước này thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản.

Theo thống kê của Cơ quan Thủy sản Nhật Bản, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm thủy sản năm 2022 đạt khoảng 387 tỷ yên (2,6 tỷ USD) và có xu hướng tăng trong nhiều năm qua. Với việc thị trường thủy sản châu Á mở rộng, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 22,5% tổng kim ngạch, trong đó sò điệp, cá ngừ và cá ngừ sọc dừa là các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc.

Trong bối cảnh Nhật Bản rục rịch tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ nhà máy Fukushima Daiichi, Trung Quốc vào tháng trước đã bắt đầu kiểm tra toàn diện các sản phẩm thủy sản của Nhật Bản do lo ngại phóng xạ, và ngày càng nhiều sản phẩm hải sản bị giữ lại tại hải quan, khiến hoạt động xuất khẩu cá tươi và các sản phẩm khác từ Nhật Bản bị đình trệ.

Ngoài Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hôm 24/8 cũng đã bắt đầu lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ 10 quận gần Fukushima. Hồng Kông là điểm đến xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Nhật Bản, sau Trung Quốc.

Theo thống kê thương mại Nhật Bản, tổng xuất khẩu thực phẩm sang Trung Quốc trong tháng 7 đã giảm 24% so với cùng tháng năm ngoái, cho thấy các hạn chế đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng chỉ ra rằng Trung Quốc đã nhập khẩu cá và các sản phẩm biển khác trị giá 234 triệu nhân dân tệ (32 triệu USD) từ Nhật Bản trong tháng 7, giảm 29% so với một năm trước đó.

Takayuki Homma, nhà kinh tế trưởng tại Sumitomo Corporation Global Research, nói với Nikkei Asia: “một số nhà khai thác [Nhật Bản] có thể mất thị trường do dư nguồn cung cá”.

Ông nói thêm rằng nếu các biện pháp nghiêm ngặt đối với hải sản Nhật Bản tiếp tục được áp dụng, những nhóm khách du lịch Trung Quốc - mới được phép đến Nhật Bản gần đây - có thể tránh đến Nhật Bản hoặc ăn hải sản trong thời gian lưu trú. “Sự chững lại trong hoạt động kinh doanh du lịch trong nước cũng sẽ là một mối lo ngại.”

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank hôm 25/8 cho biết khoảng 700 nhà xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế của Trung Quốc.

Với tình trạng chưa xác định về thời gian cấm vận của Trung Quốc, có thể cần phải chuyển hướng xuất khẩu sang nơi khác. Nhưng điều đó không hề dễ dàng, theo nhà kinh tế Homma. “Kỳ vọng thị trường Mỹ và châu Âu thay thế thị trường Trung Quốc và Hồng Kông gần như tạo ra một thị trường mới từ con số 0”.

Trong khi đó, tác động của các biện pháp hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở ngành thủy sản Nhật Bản; các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc cũng cảm nhận được tác động.

“Chúng tôi bị ảnh hưởng khá nặng nề”, quản lý của một nhà nhập khẩu thủy sản Trung Quốc trao đổi với Nikkei Asia tại hội chợ thủy sản quốc tế ở Thượng Hải trong tuần này, đồng thời cho biết thêm rằng khách hàng của họ ưa chuộng cá ngừ sống Nhật Bản. Doanh nghiệp này cho biết họ hiện đang tìm đến Australia, New Zealand và Tây Ban Nha để lấp đầy lỗ hổng tiêu thụ.