Trung Quốc lại lố bịch “độc diễn”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, giới chức Trung Quốc đã đề xuất thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc...

Kinhtedothi - Vừa qua, giới chức Trung Quốc đã đề xuất thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế, nhằm tạo đối trọng với Tòa trọng tài thường trực (PCA) của Liên Hợp quốc (LHQ) tại La Hague, Hà Lan - nơi tiếp nhận vụ kiện của Philippines với yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.

Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Chu Cường đã nêu ra ý tưởng thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế, trong nỗ lực theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ngang nhiên tuyên bố, Bắc Kinh đang thực hiện các chiến lược nhằm trở thành một “cường quốc hàng hải”. Ông Chu còn lớn tiếng khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ cái gọi là chủ quyền, quyền hàng hải và các lợi ích cốt lõi khác.
Bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc tự tạo, thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
Bản đồ đường 9 đoạn do Trung Quốc tự tạo, thể hiện yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông.
Động thái thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải của Trung Quốc không chỉ thể hiện tư tưởng hung hăng, hiếu chiến và ý đồ bá quyền đối với chủ quyền ở Biển Đông mà còn cho thấy sự “lố bịch” của Trung Quốc khi tạo ra đối trọng với PCA, cho thấy nước này vẫn cư xử “một mình một kiểu”, cương quyết từ chối mọi trật tự mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều tuân thủ. Việc thành lập Trung tâm tư pháp hàng hải cho thấy, Trung Quốc đang lăm le trở thành “ông lớn”, kẻ đặt ra luật chơi trên chính trường thế giới và buộc các nước phải nghe theo.

Trung Quốc đã gây hấn với hầu hết các quốc gia láng giềng trên Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ. Tại Hoa Đông, Trung Quốc liên tiếp khẳng định chủ quyền với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này đang nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Tại Biển Đông, Bắc Kinh nhiều lần ngang ngược tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích. Trước những động thái ngang ngược của Trung Quốc, Philippines đã nộp đơn kiện Bắc Kinh lên PCA. Vì vậy, với việc thành lập cái gọi là "Trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế", Trung Quốc muốn thể hiện quyết tâm “phớt lờ” quyền xét xử và phán quyết của PCA. Đồng thời, hoàn toàn có thể phản công bằng cách kiện ngược Philippines tại đây.

Tuy nhiên, các tuyên bố cũng như hành động của Trung Quốc chỉ khiến hình ảnh quốc gia này thêm xấu xí trong mắt dư luận quốc tế. Các hành vi đơn phương của Trung Quốc tại khu vực hoàn toàn đi ngược lại các quy tắc ứng xử trên thế giới và vì thế chưa bao giờ nhận được sự công nhận và tôn trọng của các nước khác.

Hôm 13/3, nhận định về các diễn biến trên Biển Đông, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, cả châu Á đang cô lập Trung Quốc “theo cách khiến chính Bắc Kinh bất ngờ”. Ông Obama cũng khẳng định, nếu Trung Quốc không đảm nhận trách nhiệm duy trì trật tự quốc tế, chỉ nhìn thế giới với ý đồ tạo tầm ảnh hưởng, thì nước này sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi đối phó với những thách thức tương lai.
Ngày 14/3, Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại T.Ư đề nghị phản đối hải cảnh Trung Quốc đe dọa và phá hoại tài sản của ngư dân Quảng Nam. Cụ thể, theo báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Nam, ngày 6/3, tàu Qna 91939-TS của ông Võ Quang Thái, xã Tam Quang, huyện Núi Thành khi đang thả lưới đánh bắt ở tọa độ 15 độ 57 vĩ độ Bắc và 111 độ 48 kinh độ Đông thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) thì bất ngờ bị tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46101 đe dọa. 11 người trên tàu này cầm hung khí lên tàu, đập phá máy Icom và tài sản của tàu ông Thái, đồng thời tịch thu toàn bộ lương thực và hải sản bắt được trên tàu. Ước tính tổng thiệt hại khoảng trên 300 triệu đồng.(Thiện Quang)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần