Trung Quốc lo nhà máy hạt nhân Zaporozhye bị ảnh hưởng sau vụ vỡ đập

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh hối thúc Ukraine và Nga đảm bảo việc vỡ đập Nova Kakhovka vừa qua không gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun trong phát biểu trước Hội đồng Bảo an 6/6 khẳng định, việc vỡ đập Nova Kakhovka trên sông Dnipro có thể gây nguy hiểm cho nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye. Theo đó, Bắc Kinh hối thúc Ukraine và Nga đảm bảo điều này không xảy ra.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun. Ảnh: AP
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Zhang Jun. Ảnh: AP

Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ông Zhang nói: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc phá hủy con đập tại nhà máy thủy điện Kakhovka". 

Lưu ý rằng hồ chứa Kakhovka là nguồn cung cấp nước làm mát chính cho nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, ông Zhang khẳng định thêm rằng nước trong hồ chứa tiếp tục rút “và có thể mất nguồn cung nước cho nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. ”

“Trung Quốc nhắc lại rằng trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân, không ai có thể miễn nhiễm. Chúng tôi kêu gọi kiềm chế tối đa, tránh những lời nói và hành động có thể leo thang đối đầu và dẫn đến tính toán sai lầm, đồng thời duy trì sự an toàn và an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye,” ông Zhang nói.

“Không bên nào, đặc biệt là các quốc gia có ảnh hưởng quan trọng, nên đổ thêm dầu vào lửa và leo thang căng thẳng, càng không nên cố gắng kiếm lợi từ các cuộc khủng hoảng mở rộng để thúc đẩy chương trình nghị sự chiến lược của riêng họ,” đặc phái viên Trung Quốc nói thêm.

Ukraine đã cáo buộc Nga cho nổ tung con đập và gây lũ lụt cho các thị trấn và thành phố ở hạ lưu sông, bao gồm cả Kherson do Ukraine kiểm soát.

Trong khi đó, Moscow đổ lỗi cho Kiev, lưu ý rằng Ukraine đã từng tấn công con đập này – sử dụng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp – và xả nước từ một hồ chứa thượng nguồn trên sông Dnipro ngay trước khi đập Kakhovka bị sập.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye ở Energodar có sáu lõi lò phản ứng và là nhà máy điện nguyên tử lớn nhất ở châu Âu, nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga từ tháng 3 năm ngoái. Khu vực này đã được Nga tuyên bố sáp nhập vào cuối năm 2022. 

Người đứng đầu IAEA, Rafael Grossi, hôm 6/6 nhấn mạnh, “không có rủi ro tức thời nào đối với sự an toàn của nhà máy."