Trung Quốc nắm giữ giải pháp cho khủng hoảng vận tải vì Houthi?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất ổn trên Biển Đỏ đang khiến các công ty vận tải chuyển hướng sang những tuyến đường khác.

Trong bối cảnh bất ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Biển Đỏ, tình hình dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các công ty vận tải phải đối mặt với áp lực gia tăng khi dịp Tết Nguyên đán cận kề.

Theo các chuyên gia, một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng vận tải biển hiện nay là tuyến đường bộ do Đường sắt Trung Quốc-Châu Âu cung cấp. Một số nhà xuất khẩu đã và đang chuyển hướng sang tuyến đường này. 

Một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng vận tải biển hiện nay là tuyến đường bộ do Đường sắt Trung Quốc-Châu Âu cung cấp. Ảnh: SCMP
Một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng vận tải biển hiện nay là tuyến đường bộ do Đường sắt Trung Quốc-Châu Âu cung cấp. Ảnh: SCMP

Kể từ tháng 11, phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn, lực lượng kiểm soát phần lớn Yemen, bao gồm hầu hết bờ Biển Đỏ, đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa phát nổ để tấn công các tàu thương mại sử dụng tuyến đường thương mại quan trọng trên, nhằm phản đối các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza.

Hành động của phiến quân Houthi đã buộc các hãng vận tải lớn, bao gồm Maersk của Đan Mạch, công ty vận tải nhà nước Trung Quốc Cosco và công ty năng lượng BP, ngừng sử dụng kênh đào Suez và tuyến đường Biển Đỏ.

Giờ đây, "cơn đau đầu" mà các công ty vận tải biển phải đối mặt thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn  khi áp lực tăng lên do Tết Nguyên đán sắp cận kề.

Trung Quốc, được mệnh danh là công xưởng của thế giới, sản xuất lượng lớn hàng hóa để xuất khẩu trước khi các nhà máy đóng cửa nghỉ lễ hàng năm. Việc các tàu bị tạm dừng hoặc chuyển hướng quanh Mũi Hảo Vọng sẽ khiến một lượng lớn đơn hàng khó kịp thời cập cảng Trung Quốc.

Kênh đào Suez cung cấp tuyến đường vận chuyển ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á. Theo Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập, là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới, chiếm 12% thương mại toàn cầu, bao gồm 30% tổng lượng vận chuyển container.

Việc phải chuyển hướng quanh bờ biển Nam Phi sẽ làm tăng thêm 3.500 hải lý cho hành trình của một con tàu – tương đương tối đa hai tuần nữa. Điều này sẽ trì hoãn việc chuyển lại các container rỗng về Trung Quốc, gây ra hiệu ứng dây chuyền trên toàn thế giới.

Các nhà phân tích cho biết không có giải pháp ngắn hạn trước Tết Nguyên đán, nhưng lưu ý rằng tuyến đường sắt Trung Quốc-châu Âu có thể trở thành tuyến thay thế cho các công ty xuất khẩu.

Rico Luman, nhà kinh tế cấp cao trong lĩnh vực vận tải, hậu cần và công nghiệp ô tô của ING Research, cho biết các tuyến đường vòng hiện tại và cũng như thời gian vận chuyển tăng lên sẽ dẫn đến vấn đề khác trong tháng 1 và tháng 2, mặt khác ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Theo chuyên gia Luman, mọi thứ chỉ có thể bắt đầu bình thường trở lại một khi tìm ra được giải pháp cho các mối đe dọa cung ứng này hoặc sau khi Tết Nguyên Đán kết thúc. 

Theo Marco Forgione, Giám đốc Viện Xuất khẩu & Thương mại Quốc tế, một hiệp hội các nhà xuất nhập khẩu, sự chậm trễ do khủng hoảng vận tải biển gây ra sẽ dẫn đến những vấn đề lớn tại các cảng.

Ông Forgione cho biết: “Các cảng sẽ bị tắc nghẽn… tất cả những điều đó sẽ xếp chồng lên nhau để tạo ra hiệu ứng cấp số nhân do tác động của sự gián đoạn”.

Với tình hình vận chuyển hỗn loạn, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc hiện đã chuyển sang sử dụng Đường sắt tốc hành Trung Quốc-Châu Âu, kết nối Trung Quốc và Châu Âu thông qua mạng lưới dịch vụ đường sắt rộng khắp.
Chuyên gia Forgione cho biết, hiện sự quan tâm dành cho tuyến đường sắt này đang ngày càng tăng lên. Tuyến đường chạy qua hơn 100 thành phố ở 11 quốc gia và khu vực châu Á và đến 217 thành phố trên 25 quốc gia châu Âu.

“Đường sắt đến châu Âu là một giải pháp thay thế khả thi và chúng tôi nhận thấy nhu cầu đối với tuyến đường đó ngày càng tăng,” Forgione nói.

“Nhiều khả năng tần suất sử dụng đường sắt có thể tăng gấp đôi trong vài tuần tới để thay thế cho vận tải đường biển,” ông cho biết thêm.

Trong khi đó, chuyên gia Luman không đồng ý rằng tình hình Biển Đỏ sẽ có tác động lớn đến kết nối đường sắt.

“Các chủ hàng hiện đang bị đe dọa sẽ bị trễ chuyến đối với những chuyến hàng quan trọng, có giá trị cao hơn, sắp tới dự báo sẽ chuyển sang vận chuyển bằng đường hàng không”, chuyên gia này nhận định.