Trung Quốc tìm cách "tự lực"
Các nhà phân tích cho rằng những bình luận trên phản ánh mối quan tâm ngày càng tăng của Bắc Kinh về tác động kinh tế của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, đồng thời sẽ củng cố. khả năng tự cung tự cấp của Trung Quốc.
Hôm 8/3, vài giờ trước lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga được Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu về tác động của các lệnh trừng phạt đối với thương mại, tài chính và năng lượng.
"Điều này (chiến sự tại Ukraine) sẽ kéo nền kinh tế thế giới vốn đã bị đè nặng bởi đại dịch, gây bất lợi cho tất cả các bên," ông Tập nói trong cuộc họp trực tuyến với các nguyên thủ Pháp và Đức.
Anh cũng đã công bố lệnh cấm riêng đối với dầu của Nga. Các quốc gia châu Âu khác, phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga vẫn chưa có động thái mới.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics cho biết, lệnh cấm của Mỹ có thể khiến giá dầu thô tăng lên tới 150 USD/ thùng, làm tăng nguy cơ suy thoái.
Trong khi đó, TS - Chuyên gia an ninh chiến lược Zhao Tong cho biết Trung Quốc đang trở nên "ngày càng lo lắng về những tác động rộng lớn hơn của cuộc chiến", đặc biệt là đối với năng lượng và nền kinh tế toàn cầu.
Ông Zhao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được khả năng tự lực và tự cường trong các lĩnh vực kinh tế và công nghệ then chốt để ngăn chặn ảnh hưởng từ bên ngoài đối với nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng. "Chiến sự tại Ukraine chỉ càng làm tăng thêm những lo ngại này," theo chuyên gia Zhao - thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách Toàn cầu ở Bắc Kinh cho biết.
"Nếu muốn tăng cường xây dựng khả năng tự lập, trước tiên cần giảm sự phụ thuộc," TS Zhao nhận định.
Phát biểu tại kỳ họp lập pháp hàng năm trong tuần qua, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, khả năng tự lực kinh tế là vấn đề chiến lược.
Năng lượng và nông sản
Dù ông Tập không đề cập cụ thể đến chiến sự tại Ukraine, các nhà phân tích cho rằng đây là một mối quan tâm chính. Bắc Kinh nhập khẩu số lượng lớn năng lượng và nông sản từ Nga và Ukraine, những nguồn cung được cho là sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng.
Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn thứ ba cho Trung Quốc, chiếm khoảng 10% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của nước này vào năm ngoái. Moscow cũng là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Trung Quốc.
Trong khi đó, ngô và lúa mạch từ Ukraine chiếm 29% và 26% nhập khẩu các loại ngũ cốc tương ứng này của Trung Quốc, dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc cung cấp năm 2021.
Mặt khác, các chuyên gia cũng cho rằng Nga có thể dựa nhiều hơn vào Trung Quốc. Mặc dù điều này có thể mang lại cho Bắc Kinh cơ hội mua năng lượng của Nga với giá chiết khấu, nhưng bất kỳ lợi ích nào như vậy cũng không thể bù đắp tác động rộng lớn hơn từ cuộc xung đột.
Nhà kinh tế cao cấp về Trung Quốc của Capital Economics, Julian Evans-Pritchard, cho biết, Bắc Kinh cho đến nay vẫn thận trọng với việc ủng hộ Nga, bất chấp cả hai bên đều tuyên bố hồi tháng trước rằng quan hệ đối tác chiến lược của hai bên là "không giới hạn".
Tiến sĩ Zhao cho biết những tín hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng giúp làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine, đồng thời cũng tính toán để giảm sự bất bình của phương Tây đối với những gì được coi là sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Nga. Hôm 9/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã gửi viện trợ nhân đạo trị giá 5 triệu Nhân dân tệ cho Ukraine.