Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể đã nhận thấy cơ hội tăng cường vai trò ngoại giao với những nỗ lực can thiệp gần đây của Trung Quốc vào cuộc khủng hoảng Trung Đông.
Trong khuôn khổ chuyến công du Pháp, ông Tập đã ra tuyên bố chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để kêu gọi Israel ngừng tấn công ở Rafah.
Thời điểm hiếm hoi thể hiện sức mạnh tổng hợp Trung-Âu là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tạo dấu ấn ngoại giao ở một khu vực mà nước này có lợi ích kinh tế sâu sắc nhưng tầm ảnh hưởng đang bị hạn chế.
Sáng kiến chính của Bắc Kinh là cố gắng tạo ra sự hòa giải giữa hai phong trào chủ đạo ở Palestine: Fatah và Hamas. Hai bên đã tổ chức đàm phán vào tuần trước. Sự đoàn kết của Palestine được Trung Quốc cũng như các quốc gia vùng Vịnh coi là điều kiện tiên quyết cho một kế hoạch xuyên suốt nhằm đem lại hòa bình cho Gaza và Bờ Tây, bất kể chiến tranh kết thúc với điều kiện nào.
Người đứng đầu văn phòng quan hệ quốc tế của Hamas, Musa Abu Marzouk, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 5/5 rằng ông mong đợi Fatah và Hamas sẽ sớm quay trở lại Bắc Kinh để tham gia vòng đàm phán tiếp theo.
Ông cũng tiết lộ rằng Hamas mong muốn Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò đồng bảo lãnh cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Hamas và Israel.
Mặc dù một số bên coi sự can thiệp tương đối hiếm hoi của Trung Quốc là nỗ lực nhằm thế chân Mỹ trong việc đảm bảo hòa bình giữa Israel và Palestine, Bắc Kinh coi hành động này là sự mở rộng tự nhiên của vai trò mà họ đã đảm nhận vào năm ngoái trong việc chấm dứt tình trạng đối đầu kéo dài 9 năm giữa Ả Rập Saudi và Iran.
Nhiều quốc gia khác, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, đã nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận Hamas-Fatah kể từ cuộc bầu cử ở Palestine năm 2006, dẫn đến việc Hamas trục xuất Fatah ra khỏi Gaza.
Giống như Mỹ có thể xoay trục sang châu Á, Trung Quốc lập luận rằng việc xoay trục sang Trung Đông là hợp lý.
Điều đó được phản ánh qua số lượng các hội nghị về Trung Đông được tổ chức tại Bắc Kinh. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc đã tạo dựng được mối quan hệ đủ rộng để có thể đưa ra những quyết sách mang tính ảnh hưởng trong khu vực hay chưa.
Xung đột ở Gaza cũng khiến cách tiếp cận thân Palestine của Trung Quốc trở nên cứng rắn hơn ở Trung Đông, một phần do tác động của cuộc chiến đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trong vòng một tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã mô tả việc Israel tấn công dân thường ở Gaza là những hành động “vượt quá phạm vi tự vệ” trong cuộc điện đàm với người đồng cấp bên phía Ả Rập Saudi, Faisal bin. Farhan al-Saud.
Các chuyên gia quan sát Trung Quốc ở Trung Đông cho biết một cuộc tranh luận sôi nổi hiện đang diễn ra giữa các học giả về việc khu vực này có nên trở thành cứ điểm cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc hay không, hay liệu Trung Quốc có nên tiếp tục vai trò thúc đẩy liên kết kinh tế mạnh mẽ với các quốc gia vùng Vịnh hay không.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S Jaishankar từng nhận định: “Thành công lớn của Trung Quốc ở Trung Đông là Sáng kiến Vành đai và Con đường, khi thuyết phục được Trung Đông rằng họ có thể đóng vai trò trung tâm trong các tính toán địa chiến lược của cường quốc thế giới này”.
Niu Xinchun, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc-Ả Rập tại Đại học Ninh Hạ, tuyên bố rằng chính Trung Đông hiện nhìn thấy lợi thế khi có một giải pháp thay thế cho một Washington "độc tôn". Chuyên gia này nhận định, các quốc gia vùng Vịnh hiện đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc. Điều đó “được thúc đẩy bởi mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ và đón nhận các nước mới nổi, các ngành công nghiệp và các thị trường mới nổi”.