KTĐT - Yang phải mất ít nhất 30 tiếng để trải qua quãng đường dài 1.946 km từ Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, tới An Thuận, thuộc tỉnh Quý Châu, đi bằng tàu hỏa.
Ngày Tết sắp đến gần, Yang Yongfen cùng với hàng triệu người ở khắp Trung Quốc chuẩn bị trở về nhà, trong cuộc di chuyển hằng năm đông nhất của loài người, để chào đón năm mới.
Yang phải mất ít nhất 30 tiếng để trải qua quãng đường dài 1.946 km từ Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, tới An Thuận, thuộc tỉnh Quý Châu, đi bằng tàu hỏa.
Cô cùng cậu con trai 7 tuổi, em gái và cháu gái (con của anh ruột), sẽ chui vào một không gian rộng 1 m2 trên mỗi toa tàu và ngồi chung trên hai chiếc ghế gấp.
Yang lên chuyến tàu ngày 31/12/2010, 20 ngày trước khi tết Nguyên Đán, nhưng vẫn rất khó khăn trong việc tìm chỗ ngồi. Kể cả khi con tàu đã bắt đầu chuyển bánh, vài hành khách vác theo những túi xách to sụ trên đầu, vẫn cố gắng lách qua đám đông để tìm nơi đặt hành lý.
Hầu hết hành khách nói tiếng địa phương thông dụng ở vùng tây nam Trung Quốc, trong đó có tỉnh Tứ Xuyên và Quý Châu - là nơi có hàng triệu người dân đổ ra thành thị làm việc.
Với những người thu nhập thấp thì chi phí đi lại là cả một chuyện đau đầu vì suy tính. Yang, bà mẹ 37 tuổi ăn mặc giản đơn, làm công nhân tại Hàng Châu, đã chọn chuyến tàu số 1271 bởi đó là cách rẻ nhất để với nhà, với giá vé đứng là 107 nhân dân tệ (16,24 USD).
Nếu chọn giường nằm, Yang phải mất thêm 210 nhân dân tệ, nhưng "chúng tôi muốn tiết kiệm tiền", cô nói.
Vé tàu hỏa của Trung Quốc - có màu điển hình là xanh lá cây - là rẻ nhất so với các loại tàu khác, nhưng tàu không có hệ thống sưởi và đi lâu hơn rất nhiều so với các phương tiện khác.
"Tôi không bận tâm tới thời gian", Jiang Bo, một thanh niên 23 tuổi nói. Anh mất 44 tiếng ngồi trên tàu để về nhà ở thành phố Tự Cống, tỉnh Tứ Xuyên.
Anh cũng có thể mất thêm 200 nhân tân tệ nếu muốn đi tàu nhanh rồi chuyển sang xe khách để về nhà. Nhưng anh nói đó không phải là một giải pháp kinh tế, bởi thu nhập của anh tại nhà máy dệt may chưa tới 100 tệ/ngày.
Jiang Long, một chàng trai 21 tuổi, chỉ có một khoảng trống đủ để đứng, vui vẻ nói: "Năm ngoái, tôi đi tàu này nó đông hơn nhiều. Tôi còn không thể cúi người xuống. Giờ đã khá hơn nhiều".
So với tàu tốc hành, tàu hỏa Trung Quốc không chỉ chạy chậm mà còn tốn nhiều thời gian. Tàu dừng tại nhiều ga hơn - tại các thị trấn và thành phố nhỏ - trong khi tàu tốc hành thì không dừng. Nhưng nếu không có loại tàu này, hành khách sẽ phải tới các thành phố lớn để bắt tàu tốc hành - một giải pháp vừa tốn kém vừa mất thời gian.
Trung Quốc đang nâng cấp hệ thống đường sắt trên toàn quốc và những con tàu ì ạch này đang dần bị loại trừ. Có 7 tàu hỏa đi vào Bắc Kinh đã bị dừng hoạt động vào tháng 7/2010.
Một bài báo trên tờ Beijing Times ngày 29/6/2010, trích lời của Cục phó cục đường sắt Bắc Kinh Liu Ruiyang cho biết, bắt đầu từ 1/7/2010, mọi tàu hỏa vào Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu sẽ được thay thế.
Nhưng sự nâng cấp này cũng đồng nghĩa với giá vé tăng. Giá vé cao nhất trên một tàu tốc hành, bắt đầu hoạt động vào ngày 11/1 nối Thượng Hải với Thành Đô, là 2.330 nhân dân tệ (353, 64 USD), trong khi giá vé rẻ nhất là 501 nhân dân tệ.
Phản ứng trước sự gia tăng giá vé, Luo Yinguo - một công nhân 53 tuổi tại nhà máy da ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, nói: "Đó là tàu 5 sao chắc?".
Luo nói ông không dám nghĩ tới nó bởi giá vé tương đương với thu nhập hằng tháng của ông.
Nhưng" tàu tốc hành là một chiến lược quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế và xã hội", Xia Xueluan - giáo sư xã hội học tại Đại học Bắc Kinh nói.
Theo Ji Jialun tại Đại học Giao thông Bắc Kinh: "Sự phát triển đường sắt cao tốc của Trung Quốc sẽ mở ra nhiều không gian hơn cho tàu chở hàng".
"Hiện, khả năng vận tải hàng hóa bằng đường sắt chỉ đáp ứng 35% nhu cầu của quốc gia. Để một tàu chở khách có thể hoạt động, chúng tôi phải hủy bỏ hai tàu chở hàng".
Hiện tại, mọi tuyến đường sắt, trừ những tuyến dành riêng cho tàu tốc hành, được vận hành cho cả tàu chở hàng và tàu chở khách, vì vậy mà hạn chế sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa.
"Việc loại bỏ những con tàu chậm chạp sẽ mở ra không gian cho tàu chở hàng", Ji nói.
Giáo sư Hu Xingdou, tại Viện Công nghệ Bắc Kinh, thì nhận thấy cả hệ thống tàu chở hàng lẫn chở khách đều cần được mở rộng. Hu cho rằng việc xây dựng hệ thống đường sắt ở vùng trung tây Trung Quốc chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Vấn đề sẽ càng tồi tệ hơn nếu nhiều tàu chở khách bị loại ra khỏi khu vực.
Thực tế, đây là vùng có dân cư thu nhập thấp đông nhất Trung Quốc và tạo ra nhu cầu lớn nhất cho tàu hỏa. Một số chuyên gia thì cho rằng có thể dùng xe khách thay cho tàu hỏa. Nhưng Luo Yinguo, công nhân nhà máy da ở Ôn Châu, thì bác bỏ: "Quá đắt".
Một chuyến xe khách về quê anh ở tỉnh Vân Nam mất hơn 350 nhân dân tệ. Và vào mùa du lịch, như ngày tết, giá vé có thể tăng tới 800 nhân dân tệ. Trong khi đó, vé tàu hỏa như tàu 1271 chỉ có 200 nhân dân tệ. Đi xe khách cũng không an toàn bằng đi tàu, Luo nói thêm.
Tuy nhiên, giáo sư Xia tại Đại học Bắc Kinh tin rằng khi chất lượng cuộc sống tăng lên thì nhiều người sẽ dần chấp nhận giá vé tàu tốc hành. "Đó chỉ là vấn đề thời gian", ông nói.
Nhưng bên cạnh giá tiền, một điều khác Luo quan tâm là liệu con tàu mới có dừng lại tại quê nhà anh hay không.
Trên tuyến đường nối Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, với Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tàu thông thường dừng lại tại 26 điểm, nhưng tàu cao tốc thế hệ mới chỉ dừng lại tại 4 điểm. Hệ thống trạm ga dày đặc ở các tỉnh thành cũng là một lý do giáo sư Hu tại Viện Công nghệ Bắc Kinh cho rằng nên duy trì tàu hỏa.
Đồng ý kiến với ông, Ji tại Đại học Giao thông Bắc Kinh, cho rằng một số tuyến đường sắt mà không có nhiều nhu cầu vận tải hàng hóa, nên được duy trì cho tàu hỏa. Khi đó, bên cạnh mạng lưới đường sắt cao tốc, những người lao động vẫn có thể lựa chọn tuyến tàu hỏa quen thuộc của họ.
Trong mùa tết năm nay, Bộ Đường sắt Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm nhiều chuyến tàu phục vụ việc đi lại tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hà Nam và An Huy. Cụ thể, 123 tàu mới sẽ được đưa vào hoạt động.