Trung Quốc nói gì về việc phương Tây áp giá trần dầu mỏ Nga?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bắc Kinh tuyên bố việc hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh. Ảnh: Globaltimes
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh. Ảnh: Globaltimes

Theo Sputnik, bình luận về việc phương Tây áp trần giá với dầu mỏ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, ngày 5/12 cho biết Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên nỗ lực mang tính xây dựng để đảm bảo ổn định nguồn cung dầu toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, bà Mao Ninh nhấn mạnh: "Dầu mỏ là một trong những mặt hàng năng lượng quan trọng của thế giới, vì vậy chúng ta cần phải duy trì sự ổn định nguồn cung nhiên liệu toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng tất cả các bên sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu này".

Trả lời câu hỏi của phóng viên liệu Trung Quốc có tham gia vào chính sách áp trần giá dầu Nga hay không, bà Mao Ninh khẳng định việc hợp tác năng lượng giữa Bắc Kinh và Moscow dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Trung Quốc cũng cảnh báo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc áp trần giá dầu Nga.

Theo Tass, tờ Global Times ngày 5/12 dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói rằng việc làm của EU sẽ tác động đến chính các nước thành viên của khối này.

Chuyên gia Lin Boqiang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Năng lượng Trung Quốc tại Đại học Hạ Môn, nói với Global Times hôm 4/12 rằng, chính sách này khó có thể giải quyết tình trạng khan hiếm năng lượng hiện nay tại châu Âu, ngược lại các nước EU nhiều khả năng sẽ phải chi trả nhiều hơn cho năng lượng trong thời gian tới.

Theo chuyên gia Lin, Moscow khó có thể nhượng bộ hành động của phương Tây. Đồng thời, ông cảnh báo EU sẽ đối mặt tình trạng khan hiếm nhiên liệu cũng như việc giá dầu tăng chóng mặt trong ngắn hạn.

Các nhà phân tích lưu ý thêm: "Khả năng giá dầu thế giới biến động mạnh trong thời gian tới sẽ gây thêm nhiều áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, đặc biệt là tại EU - khu vực chứng kiến mức lạm phát  tăng kỷ lục ở nhiều nước thành viên”.

Trong khi đó, phát biểu với tờ Global Times, nhà nghiên cứu Zhang Hong tại Viện Nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho biết ông tin Nga sẽ có phản ứng mạnh mẽ thông qua kênh ngoại giao đối với hành động của EU.

EU , nhóm G7 và Australia đã đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Ảnh: AP
EU , nhóm G7 và Australia đã đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng. Ảnh: AP

Theo Global Times, châu Âu có thể sẽ phải gánh hậu quả nhiều hơn so với Nga từ quyết định mới nhất của mình.

Trước đó, hôm 2/12, EU đã đồng ý áp giá trần đối với dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Cùng ngày, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia cũng đưa ra thông báo tương tự, khẳng định họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60 USD/thùng.