Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc phản ứng việc EU hạn chế làn sóng thâu tóm doanh nghiệp

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc bày tỏ quan ngại về đề xuất hạn chế việc các doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty cơ sở hạ tầng, công nghệ cao và năng lượng của châu Âu.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh, việc Liên minh châu Âu (EU) siết chặt các hoạt động thâu tóm, sáp nhập của giới doanh nghiệp sẽ không giúp đạt được phát triển lâu dài.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. 
Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Juncker đã đề xuất việc kiểm soát đầu tư nước ngoài vào EU nhằm bảo vệ các lĩnh vực chiến lược trước những mối lo chủ yếu do làn sóng thôn tính các công ty nội địa của nhà đầu tư Trung Quốc.
Đức, Pháp và Italy đã hoan nghênh các đề xuất trên là "một bước đi quan trọng hướng tới một sân chơi bình đẳng ở châu Âu.
Đức đã trở thành nước EU đầu tiên thắt chặt các quy định về chuyển nhượng tập đoàn nước ngoài kể từ năm 2016 khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà chế tạo robot Kuka của Đức, làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đã tiếp cận quá sâu vào các công nghệ chủ chốt.
Mới đây nhất, 13/9, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn việc mua lại Công ty Lattice Semiconductor của Quỹ Đầu tư Canyon Bridge của Trung Quốc vì lý do an ninh.
Lattice Semiconductor là nhà sản xuất các loại chip tiên tiến và các sản phẩm bán dẫn nhạy cảm được nhiều cơ quan chính phủ Mỹ sử dụng. 
Vì vậy, giới chức Nhà Trắng lo ngại thương vụ này sẽ kéo theo việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ cho các nhà đầu tư nước ngoài và liên quan trực tiếp tới hoạt động cung cấp các sản phẩm bán dẫn cho các cơ quan chính phủ.