Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc tiếp tục là “chìa khóa” quan trọng của thương mại toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc hiện vẫn chiếm 18% GDP toàn cầu và được xem là nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm. Ảnh: AP
Tầm quan trọng của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm. Ảnh: AP

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới và quan điểm cho rằng Bắc Kinh bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu là câu chuyện cường điệu hóa.

Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB nói với đài CNBC: “Trung Quốc có thể tiếp tục là đối tác thương mại số một của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Mặc dù có một số cấu phần trong tổng kim ngạch thương mại thế giới với Trung Quốc đã sụt giảm, nhưng sự tham gia và tầm quan trọng của Bắc Kinh trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không hề suy giảm".

Thương mại của Trung Quốc với các đối tác lớn ghi nhận mức giảm trong năm 2023, khi xuất khẩu hàng năm của nước này lần đầu tiên giảm sau 7 năm do nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc tăng trưởng chậm và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc.

Tuy nhiên, theo tổ chức nghiên cứu Wilson Center của Mỹ, nền kinh tế số hai thế giới vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của hơn 120 quốc gia và là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam.

Chuyên gia Park lưu ý thêm, ngay cả sau cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018, tầm quan trọng của Bắc Kinh trong chuỗi giá trị toàn cầu vẫn không bị “lung lay”. Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng thương mại kể từ năm 2018 khi chính quyền cựu Tổng thống Trump áp thuế và các rào cản thương mại khác đối với hàng hóa của Bắc Kinh.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền kinh tế toàn cầu, chiếm 18% GDP toàn cầu và vẫn được xem là nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, câu chuyện về việc Trung Quốc bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu dường như đã bị cường điệu hóa hoặc mang tính phiến diện.

Về phía Trung Quốc, việc theo đuổi khả năng tự lực kinh tế đã làm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự phụ thuộc vào nhu cầu nước ngoài và tăng cường xuất khẩu.

Đánh giá trên được chuyên gia của ADB đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hồi đầu tháng này tuyên bố rằng việc hủy bỏ liên kết giữa quy trình sản xuất và tiêu dùng toàn cầu từ Trung Quốc là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét áp dụng các lệnh trừng phạt đối với một số công ty Trung Quốc với cáo buộc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Hiện nền kinh tế số hai thế giới đang chật vật đối phó cuộc khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm. Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kể từ khi Bắc Kinh đưa ra chính sách 3 lằn ranh đỏ, từ đó hạn chế khả năng vay nợ của các doanh nghiệp.

Nhà kinh tế trưởng Park cho rằng khi các liên kết thương mại toàn cầu của Trung Quốc vẫn mở rộng, việc phục hồi kinh tế của Trung Quốc gặp trở ngại có thể tiếp tục gây rủi ro cho môi trường thương mại châu Á.

Bên cạnh đó, chuyên gia của ABB nhận định, các yếu tố khác cũng gây trở ngại cho hệ sinh thái thương mại châu Á. Theo ông Park, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức vừa phải sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á.

Trong Báo cáo hội nhập kinh tế châu Á năm 2024 công bố ngày 26/2, ADB cho biết, nhu cầu được cải thiện từ Mỹ và EU, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ cũng có khả năng đem lại lợi ích cho triển vọng thương mại của châu Á.