Trung Quốc và cái giá phải trả cho tăng trưởng nóng

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã khiến kinh tế toàn cầu cảm kích khi tung một gói kích thích khổng lồ.

Nhưng sự phục hồi và tăng trưởng quá “nóng” sau đó đã để lại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới một núi nợ và mối nguy cho thị trường thương mại thế giới.

Một thời gian dài nới lỏng tín dụng đã để lại cho Trung Quốc núi nợ tương đương 250% GDP và ngành công nghiệp dư thừa sản lượng nặng nề. Một báo cáo về sản xuất dư thừa ở Trung Quốc công bố hồi tháng 2 đã nêu ra 8 lĩnh vực: Thép, aluminium, xi măng, hóa học, hóa dầu, đóng tàu, giấy bóng kính và giấy bìa cứng; đồng thời kết luận, gói kích thích khổng lồ tung ra trong cuộc khủng hoảng năm 2008 đã thúc đẩy sản lượng quốc gia đến mức “xa rời nhu cầu thị trường thực tế”.
Ngành thép Trung Quốc đang đối diện tình trạng dư thừa sản lượng.
Ngành thép Trung Quốc đang đối diện tình trạng dư thừa sản lượng.
Sự phát triển quá “nóng” đã khiến ngành công nghiệp Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, ngành xi măng, sản lượng dư thừa mỗi năm lên tới gần 1 tỷ tấn. Trong khi đó, sản lượng thép dư thừa của nước này có khả năng “nhấn chìm” ngành thép toàn cầu. Theo Phòng Thương mại châu Âu, sản lượng thép của Trung Quốc đã tăng từ 644 triệu tấn năm 2008 lên 1,14 tỷ tấn vào năm 2014. Có thể nói, ngành thép Trung Quốc chiếm khoảng 91% số lượng thép tăng lên trên toàn cầu trong giai đoạn đó. Vào tháng 4, tờ Economist khẳng định, sản lượng thép trong 2 năm của Trung Quốc bằng số lượng thép nước Anh sản xuất kể từ năm 1900 tới nay.

Nhưng vấn đề là Trung Quốc còn “xuất khẩu khủng hoảng dư thừa” sang các quốc gia khác. Với sản lượng thép hàng năm gần như gấp đôi của EU, Trung Quốc là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh khác cáo buộc Trung Quốc luôn cạnh tranh không công bằng. Trước tình trạng nhiều công nhân ngành thép thất nghiệp vì sức ép từ Bắc Kinh, Mỹ đã áp thuế 265,79% lên một số mặt hàng thép Trung Quốc. EU, Ấn Độ và một số quốc gia khác cũng đã có động thái tương tự. Hôm 4/8, EU đã áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, sau khi các nhà sản xuất trong khối này khiếu nại họ đã bị đánh bật khỏi thị trường. Với Việt Nam, việc nhập khẩu sắt thép Trung Quốc cũng gây sức ép lớn cho ngành sản xuất trong nước. 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 11 triệu tấn thép với giá trị kim ngạch đạt hơn 4,5 tỷ USD. Trong số đó, chỉ riêng sắt thép từ Trung Quốc đã chiếm 60% về lượng và hơn 55% về giá trị toàn thị trường nhập khẩu.

Không chỉ dừng lại ở ngành thép, trong những lĩnh vực khác như bất động sản, DN Trung Quốc cũng gây ảnh hưởng tiêu cực cho các thị trường thế giới. Việc đồng nội tệ giảm giá cùng khát vọng “vươn ra toàn cầu” đang thúc đẩy DN Trung Quốc bỏ tiền mua lại hàng loạt công ty, thương hiệu lớn ở nước ngoài, đầu tư vào cả các CLB bóng đá… làm dấy lên mối băn khoăn về khả năng “thâu tóm thế giới” của Trung Quốc. Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích đang cảnh báo về một "quả bong bóng" nữa sắp phát nổ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - "bong bóng" tín dụng. Sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán mùa hè năm ngoái, dòng tiền ồ ạt đổ sang thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu DN. Một khi "bong bóng" này "phát nổ", với các dự án M&A và những khoản đầu tư trải rộng trên toàn cầu, DN Trung Quốc sẽ còn tiếp tục “xuất khẩu khủng hoảng” hơn nữa.

Tranh cãi giữa EU - Trung Quốc về vấn đề dư thừa sản xuất từng “hâm nóng” Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và EU lần thứ 18 diễn ra hồi cuối tháng 7. Các lãnh đạo châu Âu cũng cho rằng, Bắc Kinh áp dụng nhiều hàng rào thương mại với DN nước ngoài để “ưu ái” DN trong nước. Chắc chắn những tranh cãi này sẽ được đề cập trong cuộc họp thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc vào đầu tháng 9 tới. Tuy nhiên, Bắc Kinh có tận dụng cơ hội này để tìm ra giải pháp thiết thực, hay tiếp tục coi đây là diễn đàn để “quảng bá” hình ảnh nền kinh tế như thường lệ, vẫn là điều khó khẳng định.