Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung Quốc xem xét lập nhiều thỏa thuận thương mại, thế chân Mỹ

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà phân tích Nga Alexei Antonov cho rằng, BRICS có thể cân nhắc thiết lập đồng minh thương mại của mình, nhằm cân bằng với Âu - Mỹ.

Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil và Nam Phi tại Hạ Môn, Trung Quốc được coi là cơ hội để Bắc Kinh khẳng định vị trí “bệ đỡ” toàn cầu hóa trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tập trung vào chính sách hướng nội “Nước Mỹ trên hết".
 Lãnh đạo Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Trước đó, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, cuộc họp BRICS được kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận đối với các hành động nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh, các nước nên thúc đẩy nền kinh tế thế giới mở rộng, thúc đẩy tự do hoá thương mại và tạo điều kiện thuận lợi, cùng nhau tạo ra một chuỗi giá trị toàn cầu mới.
Ngoài các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS, hội nghị còn có sự tham gia của các quốc gia khách mời là Thái Lan, Mexico, Ai Cập, Guinea và Tajikistan. Các quan chức của các nước thành viên cũng như khách mời cũng thảo luận kế hoạch "BRICS +” hướng tới việc mở rộng nhóm nhằm gia tăng kết nối về kinh tế và thương mại.
Đặc biệt, trong bối cảnh khả năng thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Mexico và Canada không mấy khả quan, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã tham dự Hội nghị BRICS để thảo luận về các cơ hội thương mại và đầu tư. Dự đoán, nhiều khả năng một hiệp định thương mại tự do giữa Bắc Kinh và Mexico sẽ được thiết lập.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh BRICS, truyền thông đưa tin, giới chức Trung Quốc và Nga sẽ thảo luận về vấn đề đối phó với chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu. Việc thảo luận này trước hết là nhằm vào các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Bắc Kinh và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Moscow nhưng nội dung hoàn toàn không chỉ giới hạn trong vấn đề này.

Nhà phân tích Nga Alexei Antonov cho rằng, BRICS có thể cân nhắc thiết lập đồng minh thương mại của mình, nhằm cân bằng với Âu - Mỹ, đồng thời cố gắng phát triển thương mại trong khối.
Trong khi đó, nhà phân tích Bogdan Zvarych của Công ty đầu tư tài chính tự do cho rằng, trong khuôn khổ những tổ chức quốc tế mà Trung Quốc và Nga đều là thành viên, 2 nước có thể đề xuất làm giảm các rào cản thương mại, thúc đẩy các sáng kiến về thể chế thương mại tự do.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS cũng đem lại cơ hội tốt để 2 nền kinh tế lớn trong khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ giải quyết tranh chấp. Một tuần trước khi diễn ra hội nghị, giới chức 2 nước đã nhất trí chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 2 tháng ở khu vực biên giới Himalaya. Cuộc xung đột này là ví dụ cho thấy các quốc gia BRICS vẫn tồn tại sự khác biệt, bất chấp việc cùng hướng tới một mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, bên lề hội nghị, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều bày tỏ quan điểm vượt qua căng thẳng để cùng phát triển. 

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết, Trung Quốc sẽ cung cấp 500 triệu Nhân dân tệ (76,4 triệu USD) cho kế hoạch hợp tác về kinh tế - công nghệ và 4 triệu USD cho các dự án tại Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS.