Tròn 4 năm thành lập (21/10/2020 - 21/10/2024), Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý - giáo dục Ngọc Ân liên tiếp đón nhận tin vui với những giải thưởng danh giá của cá nhân và tập thể; đưa thương hiệu Ngọc Ân tiếp tục nâng tầm, vươn xa.
Những ngày qua, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý – giáo dục Ngọc Ân phủ sóng trên nhiều phương tiện truyền thông uy tín của Trung ương, Hà Nội và các địa phương nhân sự kiện đặc biệt: bà Đào Thanh Hoàn - Nhà sáng lập Trung tâm được trao tặng danh hiệu cao quý “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2024. Danh hiệu vừa là vinh dự, vừa là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng của bà khi dành trọn tâm huyết, tình yêu thương để thực hiện sứ mệnh chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ tự kỷ, người khuyết tật tại Thủ đô Hà Nội.
Đầu tháng 9/2024, Trung tâm vinh dự nhận giải thưởng Sao Vàng thương hiệu Đất Việt. Để giành giải thưởng này, các đơn vị không chỉ đạt hiệu quả kinh doanh tốt mà còn có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực xã hội, môi trường và phát triển bền vững.
Ngọc Ân cũng đạt giải thưởng “Top 10 thương hiệu tín nhiệm hàng đầu Châu Á 2024” nằm trong hạng mục trao giải của chương trình “Thương hiệu hàng đầu Châu Á - Asia Top Brand Award” năm 2024, được đánh giá, xét chọn dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đối với doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, đầu ngành có sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, xây dựng thương hiệu bền vững số 1 trên thị trường Việt Nam và Châu Á.
Với Ngọc Ân, những giải thưởng trên thực sự xứng đáng vì ngay từ khi thành lập, Trung tâm đã xác định sứ mệnh quan trọng là hỗ trợ, cung cấp dịch vụ giáo dục toàn diện cho trẻ tự kỷ và người khuyết tật. Ngọc Ân hướng đến việc xây dựng một môi trường học tập thân thiện, an toàn, nơi các em không chỉ được chăm sóc về mặt giáo dục mà còn phát triển các kỹ năng xã hội và khả năng tự lập.
Trung tâm áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến, cá nhân hóa, dựa trên từng nhu cầu riêng biệt của mỗi học viên. Với đội ngũ giáo viên và chuyên gia có chuyên môn cao, Ngọc Ân đã thành công trong việc giúp nhiều trẻ tự kỷ, người khuyết tật tiến bộ, hòa nhập xã hội, mang đến niềm hi vọng cho các gia đình.
Điều làm nên thành công của Trung tâm Ngọc Ân chính là cam kết mang đến dịch vụ giáo dục chất lượng cao và tinh thần trách nhiệm xã hội mạnh mẽ. Trung tâm luôn nỗ lực không ngừng để bảo đảm mỗi trẻ tự kỷ, người khuyết tật đến đây đều được tiếp cận với một nền giáo dục tốt nhất, phù hợp với nhu cầu và khả năng riêng của từng em. Sự tận tâm, sáng tạo trong việc phát triển các chương trình giáo dục can thiệp, kỹ năng xã hội, thực nghiệm hướng nghiệp cá nhân đã giúp Ngọc Ân trở thành một điểm sáng trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt tại Hà Nội và cả nước.
Cuối tháng 8/2024, với dự án “Sản xuất oản gạo xanh”, Trung tâm Ngọc Ân được vinh danh giải Nhì tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo chuyển đổi xanh 2024”. Với đội ngũ tham gia dự án, giải thưởng khẳng định cho những nỗ lực bền bỉ, không lùi bước của cả thầy và trò Ngọc Ân; đồng thời nhắc nhở, thúc giục Ngọc Ân hãy không ngừng cố gắng hoàn thiện và mở rộng dự án để có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho xã hội và những người khuyết tật.
Ngọc Ân là nơi đến của nhiều thực tập sinh, học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về mô hình giáo dục đặc biệt; trong số đó có em Nguyễn Lê Nhật Minh, học sinh lớp 11 Trường St. Joseph’s Institution International, Singapore. Quá trình tìm hiểu, thực tế tại Trung tâm, em rất tâm huyết với Dự án “Xây dựng phòng điều hoà giác quan bằng giáo dục toán tư duy và âm nhạc cho trẻ tự kỷ”. Với trí tuệ, sự hiểu biết, lòng nhân ái của mình, em đã xuất sắc giành Học bổng Vừng 2024 với số tiền 24 triệu đồng. Tuyệt vời hơn khi em quyết định trao toàn bộ học bổng này cho Trung tâm Ngọc Ân để thực hiện dự án nhân văn trên.
Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên đón các đoàn đại biểu trong nước và quốc tế đến tham quan, học hỏi mô hình; tích cực tham gia hoạt động hội thảo, từ thiện, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và đóng góp vào các chương trình xã hội nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục cho trẻ tự kỷ, người khuyết tật. Bằng những nỗ lực toàn diện, Trung tâm đã tạo dựng được uy tín và lòng tin với các tổ chức trong, ngoài nước; trở thành một trong 16 cơ sở đại diện cả nước được Quỹ bảo trợ Trẻ em Việt Nam tiến hành các buổi tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp về mô hình hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em khuyết tật.
Đầu tháng 10/2024, đoàn thiện nguyện Trung tâm Ngọc Ân phối hợp Báo Kinh tế & Đô thị cùng các mạnh thường quân đến Điểm trường Mầm non Háng Tày, thuộc xã Chế Tạo và Trường PTDT Bán trú Tiểu học Nậm Búng, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Với tinh thần "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", đoàn đã trao tặng sách vở, quần áo, nhu yếu phẩm cho học sinh và nhà trường.
Nhằm tôn vinh những giá trị, thành tựu mà Trung tâm Ngọc Ân đã đạt được trong 4 năm qua, đồng thời khuyến khích cán bộ, nhân viên Trung tâm thể hiện cảm xúc, ý tưởng và tầm nhìn về sự phát triển của Trung tâm trong những năm tới, tại cuộc thi viết “Gửi Ngọc Ân tương lai”, Ban tổ chức đã nhận được gần 20 bài viết, chia sẻ và rất nhiều ân tình của các thầy cô giáo – những người đang nỗ lực cống hiến, góp sức xây dựng Ngọc Ân phát triển, vươn xa.
Gọi Ngọc Ân là “Ngôi nhà thắp sáng ước mơ, mang đến tương lai rộng mở”, cô Tạ Thị Thủy, Trung tâm Ngọc Ân - cơ sở 1 gói ghém cảm xúc của mình vào những dòng thư. Cô xúc động cho hay: “Trong những năm qua, Ngọc Ân đã trở thành ngôi nhà thứ hai cho rất nhiều học viên khuyết tật. Trung tâm không chỉ thực hiện giáo dục chuyên biệt, nơi mỗi học viên được xây dựng kế hoạch học tập riêng, mà còn áp dụng các mô hình đào tạo nghề. Tôi hi vọng, Ngọc Ân trong tương lai sẽ tiếp tục phát huy những giá trị cốt lõi này, trở thành một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện, tiên tiến không chỉ tại 5 cơ sở mà còn lan tỏa đến nhiều khu vực khác. Tôi cũng mong muốn Ngọc Ân mãi giữ một cộng đồng gắn kết - nơi tất cả những người đã từng đến, đã từng gắn bó sẽ luôn cảm thấy mình là một phần của gia đình; để dù có đi xa đến đâu, chúng ta vẫn luôn nhớ về nhau, luôn hỗ trợ nhau trong cuộc sống…”.
Với cô Nguyễn Thị Mộng Thơ, cơ sở 3 (Hải Lăng – Quảng Trị), Ngọc Ân là một cá thể giữa hàng trăm trung tâm chuyên can thiệp, hỗ trợ cho trẻ tự kỷ, khuyết tật nhưng lại là một tập thể đặc biệt, được gắn kết bởi những thầy cô có chung tình yêu và lòng nhiệt huyết với trẻ khuyết tật, tự kỷ.
“Tương lai gần, Ngọc Ân sẽ dẫn đầu trong công tác chăm sóc, hỗ trợ, can thiệp và hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ, khuyết tật trong khu vực và cả nước. Ngọc Ân sẽ là bức tranh nhiểu màu sắc, được vẽ bằng chính thầy - trò nơi đây; bằng những thương hiệu, giải thưởng mà Ngọc Ân đạt được và văn hoá của Ngọc Ân dày công xây dựng….”, cô Mộng Thơ chia sẻ. Cô đồng thời bày tỏ quyết tâm: “Tôi sẽ phấn đấu, cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, trở thành một cán bộ có kiến thức sâu để có thể hỗ trợ, tiếp cận đúng hướng đối với trẻ tự kỷ. Mong một ngày không xa, tôi cùng các đồng nghiệp cơ sở 3 (Hải Lăng – Quảng Trị) sẽ có cơ hội đến cơ sở chính của Trung tâm để học hỏi các mô hình hướng nghiệp mới mẻ, sáng tạo và giúp được nhiều bạn nhỏ ở quê nhà”.
Ước vọng Ngọc Ân ở tương lai, cô Nguyễn Thị Phương Oanh, Trưởng cơ sở 5 – Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc hình dung Ngọc Ân của năm 2030. Khi đó, chắc hẳn xưởng Thiên Ngọc sẽ khang trang với đầy đủ máy móc hiện đại, như: máy cắt laser, máy in 3D, máy trộn bột, máy sấy và những quy trình sản xuất bài bản. Trung tâm cũng xây dựng thêm các phòng trị liệu hỗ trợ y tế chuyên biệt - nơi học viên được chăm sóc chu đáo về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Những điều này thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của Trung tâm; tạo điều kiện tốt cho quá trình học tập, sản xuất và hướng nghiệp của học viên; giúp các em vững vàng, tự tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Anh Đỗ Văn Đạt, Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc là người khuyết tật khiếm thị. Năm thứ ba làm việc tại Ngọc Ân, từ học viên, anh trở thành nhân viên của xưởng. Với tinh thần nhân ái học được từ các thầy cô giáo, anh luôn nhiệt tình hướng dẫn những học viên mới và người có cảnh ngộ giống mình. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua, nỗ lực học hỏi để làm ra những sản phẩm oản nghệ thuật và đồ lễ thủ công. Tôi mơ ước sẽ được gắn bó với Trung tâm Ngọc Ân lâu dài hoặc mãi mãi”, anh Đạt bày tỏ.
Chia sẻ cảm xúc về những thành tựu mà cá nhân và tập thể Trung tâm Ngọc Ân đạt 4 năm qua, Nhà sáng lập Đào Thanh Hoàn thấy hạnh phúc và biết ơn, bởi thành quả đó là công sức, sự cống hiến không ngừng của tập thể Trung tâm, được tạo điều kiện của các cấp, các ngành cùng tinh thần nỗ lực, sự ủng hộ của học viên, giáo viên và phụ huynh.
“Để vươn tầm cao mới, Ngọc Ân đã đăng ký bản quyền sản phẩm Oản nghệ thuật và chuẩn bị đưa sản phẩm lên Sàn thương mại điện tử cũng như đăng ký sản phẩm OCOP. Tới đây, cơ sở chính của Ngọc Ân và Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc sẽ chuyển địa điểm mới khang trang, hiện đại. Trung tâm tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động, tăng cường hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho trẻ tự kỷ, người khuyết tật. Trung tâm cũng sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng, góp phần xây dựng một xã hội nhân ái, nơi mọi trẻ tự kỷ, người khuyết tật đều có cơ hội phát triển toàn diện và bền vững”, bà Đào Thanh Hoàn cho biết.
08:12 21/10/2024