Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trung thu ấm áp của các cô nhi

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung thu không thiếu bánh, thiếu quà, nhưng các em cô nhi lại khuyết mất tình thân, không có cả cha lẫn mẹ. Đó là nỗi đau không thể nào bù đắp nổi.

Niềm vui chưa trọn

Một buổi chiều mát đầu tháng 9/2022, sơ Nguyễn Thị Kim Hà thong thả đưa các bé trong cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) ra công viên gần đó chơi. Hôm nay là một ngày khá đặc biệt, gương mặt ai cũng rạng rỡ, vui vẻ.

Bé Kim An lần đầu tiên được đi xem múa lân.
Bé Kim An lần đầu tiên được đi xem múa lân.

“Có đoàn thiện nguyện về tổ chức Trung thu sớm, múa lân, tặng quà cho các con. Họ tổ chức ở công viên này vừa rộng rãi, thoải mái mà lại thoáng mát. Mấy đứa phấn khởi lắm” - sơ Hà phấn khởi chia sẻ.

Phía sau xe đạp của sơ Hà là bé Nguyễn Hoàng Kim An. An ngồi ngay ngắn trong một chiếc ghế được thiết kế đặc biệt và buộc cẩn thận để đảm bảo an toàn. An đội chiếc mũ nhỏ, mặc chiếc đầm màu vàng tươi, hệt như một nàng công chúa nhỏ. 

“Kim An mới 14 tháng tuổi, đây là lần đầu được xem múa lân. Các sơ “nhặt” được An ngay trước cổng cô nhi viện, đỏ hỏn, nhỏ xíu, chắc tầm 1 tuần tuổi. Hồi đó đang là cao điểm dịch Covid-19, phải áp dụng Chỉ thị 15. Không rõ người thân của con là ai, không một mảnh giấy hay thông tin nào để lại. Như đã được an bài, các sơ mang con về nuôi dưỡng, may là con khỏe mạnh và rất ngoan, không quấy khóc nhiều” - sơ Hà hồi tưởng.

Sân chơi mỗi lúc một đông, các em thiếu nhi ngồi ngay ngắn trước sân khấu chờ đợi, trên tay đung đưa những đồ chơi được tạo hình từ bong bóng. Đoàn múa lân đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng trước khi vào màn biểu diễn chính thức.

Nguyễn Thị Hồng Thắm nhìn lên sân khấu, ánh mắt đợi chờ và háo hức: “Xem múa lân vui lắm, lâu lắm rồi em mới được xem. Em muốn mấy anh chị tới chơi và tổ chức nhiều trò chơi hơn nữa” - Thắm chia sẻ.

Thắm vừa bước vào lớp 6, gương mặt non nớt nhưng đôi mắt luôn đượm ưu tư. Em 11 tuổi, cũng ngần ấy thời gian gắn bó với cô nhi viện. “Các sơ quan tâm, nghiêm khắc nhưng không đánh mắng. Sau này lớn lên, em mong ước được làm sơ, để chăm sóc cho các em mồ côi” - giọng Thắm nhỏ, nhưng nói ngắn gọn và chắc chắn - như cách em tâm sự về ước mơ trong tương lai.

Trò chơi đố vui có thưởng được các bé trong cô nhi viện Phú Hòa nhiệt tình tham gia.
Trò chơi đố vui có thưởng được các bé trong cô nhi viện Phú Hòa nhiệt tình tham gia.

Tiếng trống lân giòn giã vang lên, Thắm chạy ào đi rồi nhanh chóng cùng anh, chị, em trong cô nhi viện hòa mình vào các trò chơi, đố vui có thưởng và say mê nhìn đội lân biểu diễn. Bên cạnh Thắm còn có nhiều em nhỏ khác trong khu dân cư được cha mẹ dẫn ra xem lân, luôn miệng tíu tít: “Lân đẹp quá mẹ ơi”, “Ba ơi con muốn mua đầu lân”… Thắm ngoái đầu tìm kiếm các giọng nói, ánh mắt thoáng lên vẻ ước ao, rồi rất nhanh, em nhìn sang hướng khác.

Đứng ở sau sân khấu, chị Đỗ Thị Thu Cúc - giáo viên trường Tiểu học Tịnh Ấn Tây, thành viên của ban tổ chức chương trình vui Trung thu - mỉm cười, chia sẻ: “Hôm nay ngoài múa lân, trò chơi, còn có 31 suất quà bánh, 2 xe đạp tặng cho các trẻ em ở cô nhi viện Phú Hòa. Hoạt động này là do nhóm “Kết nối yêu thương” tổ chức, mong các cháu có Tết Trung thu ý nghĩa và cảm nhận được tình thương từ cộng đồng. Thấy các cháu vui mình cũng vui theo”.

Mái ấm đặc biệt

Nằm ở thôn Cộng Hòa 2 (xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi), cô nhi viện Phú Hòa được thành lập từ năm 1963, thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá Quy Nhơn đảm trách. Qua ghi chép, gần 60 năm qua, có hơn 150 trẻ được nuôi dưỡng tại đây đã lớn khôn, rời cô nhi viện lập gia đình, lập nghiệp.

Năm tháng qua đi, những đứa trẻ ở cô nhi viện lớn lên, rồi đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Những bé mồ côi khác lại đến với cô nhi viện như một mối lương duyên. Mọi thứ dần đổi thay theo năm tháng, nhưng tình thương của các sơ dành cho những đứa trẻ mồ côi thì vẫn thế, lớp người sau tiếp nối lớp người trước.

Hiện cô nhi viện Phú Hòa có 6 sơ, đang nuôi dưỡng 31 trường hợp gồm: 3 em đang học đại học, 3 em học trung học phổ thông, 5 em học trung học cơ sở, 10 em học tiểu học, 4 em mầm non và Kim An - trường hợp nhỏ tuổi nhất nên chưa đi học, 4 trường hợp bị thiểu năng, 1 trường hợp bị não úng thủy.

 

Khi đón nhận các em thì xem như đó là niềm vui, là món quà Chúa trao cho mình. Vậy nên, dù khó khăn, vất vả đến mấy các sơ vẫn cố gắng chăm sóc, nuôi dạy các em tốt nhất trong khả năng của mình. Ước mong lớn nhất là nuôi dạy các em ngoan ngoãn, nên người, học hành giỏi giang”- sơ Nguyễn Thị Kim Hà - người phụ trách cô nhi viện Phú Hòa bày tỏ.

“Đối với các trường hợp thiểu năng, đều trên 40 tuổi thì phải nuôi dưỡng suốt đời. Còn với Nguyễn Hoàng Phúc H., con bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ thì cũng nuôi con suốt đời thôi” - sơ Nguyễn Thị Liễu chia sẻ.

Sơ Liễu là người gốc Đăk Lăk, gắn bó với cô nhi viện Phú Hòa được 4 năm nên đã am tường các trường hợp đang được nuôi dưỡng ở đây. “Phúc H. trắng trẻo dễ thương lắm nhưng số phận nghiệt ngã. Dù không thể đi đứng, hoạt động như những trẻ bình thường khác nhưng con có cảm xúc, rất thích nghe nhạc” - sơ Liễu cho hay.

Ở cô nhi viện Phú Hòa, không sơ nào dám nói với các em là không cha, không mẹ mà để các em khi lớn lên sẽ tự mình nhận biết. Các sơ tập cho các em biết sống tự lập và cố gắng bổ sung kiến thức để sau này lo cho tương lai, xây dựng cho mình mái ấm gia đình ấm no, hạnh phúc.

Các sơ và trẻ em ở cô nhi viện Phú Hòa vui đón Tết Trung thu.
Các sơ và trẻ em ở cô nhi viện Phú Hòa vui đón Tết Trung thu.

Gần đến Tết trung thu, cô nhi viện Phú Hòa trở nên nhộn nhịp, đông vui hơn hẳn bởi nhiều đoàn thể, đơn vị đến thăm hỏi, tặng quà, tổ chức các trò chơi.

Sơ Liễu ngồi lặng yên trong một góc, nhìn các em vui đùa, lộ vẻ ngậm ngùi: “Ở cô nhi viện các con không thiếu thốn về vật chất. Trung thu, lễ, tết đều có quà vì nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Cái các con thiếu nhất là tình thương, không có cha mẹ. Dĩ nhiên, nhà dù nghèo thế nào, có khăn thế nào nhưng có cha có mẹ vẫn là tốt nhất. Các sơ rất hiểu nên cố gắng chia sẻ và quan tâm, bù đắp được một phần nào đó sự thiếu vắng mà các con phải gánh chịu”.