70 năm giải phóng Thủ đô

Trường đại học tốp đầu mở nhiều ngành mới để hút thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển của các trường đại học (ĐH) top trên vẫn được giữ ổn định. Ngoài ra, một số trường mở thêm những ngành đào tạo/chương trình mới đáp ứng nhu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

ĐH Quốc gia Hà Nội tư vấn trực tuyến công tác xét tuyển sinh ĐH năm 2019. Ảnh: Thủy Trúc
Thêm ngành mới, ổn định chỉ tiêu
Năm 2020 ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 10.000 chỉ tiêu (CT) cho 11 trường, khoa trực thuộc, theo 2 phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của ĐH Quốc gia Hà Nội và xét tuyển thí sinh có kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và các phương thức SAT, A-LEVEL, IELTS. Các trường/khoa của ĐH Quốc gia Hà Nội giữ CT ổn định như năm trước nhưng dự kiến mở thêm những ngành, chương trình mới. Đơn cử, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có thêm 3 ngành, chương trình mới: Hàn Quốc học, Đông Phương học, Văn hóa học. “Năm 2020, nhà trường có tổng số 31 ngành, chương trình với khoảng 2.100 – 2.200 CT, tăng 100 so với năm 2019. Phương châm của nhà trường là giữ vững số lượng, nâng cao chất lượng nên không tuyển sinh ồ ạt, mặc dù năm trước có ngành 40 hồ sơ mới lấy 1” – ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Công khai thông tin tuyển sinh
Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành đào tạo giáo viên mầm non của quy định. Theo đó, các trường có sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để sơ tuyển, xét tuyển xác định và công bố công khai tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển vào các ngành, nhóm ngành.
Căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường quy định cụ thể và công bố công khai điều kiện xét tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển của những đối tượng quy định. Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực, năng khiếu và các hình thức khác kết hợp với sử dụng kết quả thi THPT quốc gia phải ghi rõ trong Đề án tuyển sinh và công bố công khai trên website của trường và các phương tiện thông tin đại chúng...
Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên Vũ Hoàng Linh cho biết, nhà trường ưu tiên phương thức xét tuyển và sử dụng kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Và dự kiến có một số đổi mới đối với chương trình và ngành đào tạo. Trường ĐH Khoa học tự nhiên xây dựng xong và đang chờ ĐH Quốc gia Hà Nội thẩm định và cho phép đào tạo 5 chương trình mới là: Khoa học dữ liệu; Khoa học và công nghệ thực phẩm; Điện tử và Tin học ứng dụng; Công nghệ, quan trắc và giám sát tài nguyên môi trường; Quản lý phát triển đô thị và bất động sản. “Nhà trường không tập trung chạy theo CT mà nâng chất lượng đào tạo. Vì thế, chúng tôi giảm bớt CT ở những ngành khoa học cơ bản, tăng số lượng tuyển ở các ngành định hướng ứng dụng. Năm ngoái, tổng CT của nhà trường là 1.500 thì năm 2020 sẽ tăng thêm 5%. Song song với phát triển ngành mới, nhà trường tập trung phát triển nhân lực, cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm để phục vụ cho đào tạo” – ông Hoàng Linh nói.
Còn các trường ĐH tốp đầu khác vẫn giữ nguyên CT tuyển sinh ĐH năm 2020 như năm trước để chọn lọc đầu vào và mở thêm các ngành đào tạo mới để đáp ứng nhu cầu của thí sinh cũng như theo xu hướng thế giới. Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân Bùi Đức Triệu cho biết, nhà trường mở thêm 4 ngành mới, đó là: Kiểm toán (trước là chuyên ngành của ngành Kế toán); và Ngân hàng, Tài chính công, Tài chính doanh nghiệp (được tách ra từ ngành Tài chính ngân hàng). Và, bổ sung thêm 3 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của thí sinh trong năm qua: Logitics và quản lý chuỗi cung ứng tích hợp chứng chỉ quốc tế về logitics, Kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế, Kinh tế học tài chính. Dù mở thêm 4 ngành mới nhưng trường ĐH Kinh tế quốc dân không thay đổi số lượng tuyển, lấy CT cũ của ngành gốc chuyển sang. Với 3 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh mới, mỗi chương trình mở 1 lớp 50 sinh viên, tăng 150 CT.
Điều chỉnh tiêu chí xét tuyển
Tuy ổn định phương thức tuyển sinh như năm trước (tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT Quốc gia năm 2020...) nhưng các trường ĐH có những sự điều chỉnh để tạo thuận lợi trong xét tuyển và cho thí sinh. Ông Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin: Dự kiến tổng CT tuyển sinh ĐH của trường năm 2020 khoảng từ 6.700 – 6.800. CT của từng ngành có biến động nhỏ nhưng nhà trường chưa quyết định. Năm nay, trường có điểm mới, đó là 3 chương trình kỹ sư tài năng Việt – Pháp (Công nghệ thông tin: Hệ thống thông tin và truyền thông, Điều khiển và tự động hóa: Tin học công nghiệp, Cơ khí hàng không) sẽ có mã xét tuyển riêng. “Mọi năm, khi thí sinh trúng tuyển vào trường đạt mức sàn theo quy định mới được thi tuyển vào 3 chương trình này. Năm nay, nhà trường tách riêng mã của 3 chương trình để thí sinh được tìm hiểu rõ từng chương trình ngay từ đầu, có thêm sự lựa chọn và trúng tuyển là học luôn, không phải thi tiếp nữa” - ông Trung Kiên giải thích.
Dù trường ĐH Bách khoa Hà Nội ổn định các tổ hợp xét tuyển nhưng 3 chương trình kỹ sư tài năng Việt – Pháp có thêm tổ hợp mới Toán – Lý – Tiếng Pháp; vì phối hợp với các trường ĐH của nước Pháp trong đào tạo. Bên cạnh đó, 3 chương trình này vẫn duy trì 2 xét tuyển tổ hợp như năm 2019 là Toán - Lý - Hóa và Toán - Lý - Anh. Cũng như mọi năm, trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ đặt ra điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển, được công bố trong Đề án tuyển sinh vào tháng 3 tới đây. Về cơ bản, năm nay trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn không thay đổi quá nhiều tổ hợp xét tuyển. Nhưng vài ngành cụ thể lại có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Ông Hoàng Anh Tuấn lấy ví dụ: Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Nhật Bản học được xác định là đặc thù, hướng đến đối tượng tuyển sinh có năng lực tiếng Anh, nên dùng tổ hợp có môn ngoại ngữ này. Một số ngành khác vẫn tuyển các ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Nga. Lại cũng có trường mở rộng đối tượng xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp. Cụ thể, năm 2019, chỉ những em tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, các em có chứng chỉ IELTS và TOEFL đạt 6.5 trở lên được cộng 2 điểm vào trường ĐH Kinh tế quốc dân thì năm nay trường mở rộng thêm chứng chỉ SAT và ACT. Còn trường ĐH Bách khoa Hà Nội lại thay đổi đối tượng được cộng điểm tiếng Anh khi thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn:
Nhiều cơ hội việc làm ngành mới mở
Qua năm đầu tiên nhà trường đào tạo 3 chương trình xã hội hóa cho thấy sự cam kết của sinh viên với ngành học rất lớn. Các em đam mê, gắn bó, say mê thể hiện năng lực. Những khoa trực tiếp quản lý đào tạo cũng cam kết về chất lượng chuẩn đầu ra, gắn với các đối tác và mời các nhà tuyển dụng tham gia đào tạo vừa giám sát và sau này là tuyển dụng. Điều đó cho thấy cơ hội việc làm của những ngành, chương trình mới rất sáng sủa.

Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội Trần Trung Kiên:

Phương thức tuyển sinh không quá quan trọng

Vài năm nay, các trường có nhiều phương thức tuyển sinh đa dạng như kết quả thi THPT quốc gia, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thi đánh giá năng lực... Phương thức tuyển sinh thế nào không quá quan trọng mà vấn đề là chất lượng sinh viên vào trường có đảm bảo theo đúng mong muốn không. Trong trường hợp, các trường sử dụng phương thức nào đó tuyển được sinh viên tốt thì không có lý do gì phải thay đổi. Nếu các trường theo được chuẩn quốc tế sẽ tốt, để giảm tải thi cử đầu vào lại lấy được sinh viên giỏi theo các mức độ mong muốn.