Từ 1/3, tăng mức bồi dưỡng cho người lao động

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ ngày 1/3/2023, sẽ áp dụng 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; mức cao nhất có giá trị bằng tiền là 32.000 đồng/ngày.

Đây là quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH Quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Kể từ ngày 1/3/2023, có 3 đối tượng người lao động được áp dụng chính sách này, đó là: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;

Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Từ ngày 1/3/2023, sẽ áp dụng 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Ảnh: Internet.
Từ ngày 1/3/2023, sẽ áp dụng 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Ảnh: Internet.

Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ 2 điều kiện:

+ Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành.

+ Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 1 trong 2 yếu tố sau: Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).

Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:

Mức 1: 13.000 đồng

Mức 2: 20.000 đồng

Mức 3: 26.000 đồng

Mức 4: 32.000 đồng

Như vậy, 4 mức bồi dưỡng bằng hiện vật được quy định tại Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH cao hơn so với Thông tư số 25/2013/TT-BLĐTBXH, lần lượt là: 3.000 đồng – 5.000 đồng – 6.000 đồng – 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ các điều kiện, mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I và áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng:

Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng.

Nếu làm việc dưới 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên nhưng tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Bộ LĐTB&XH quy định, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.

Người sử dụng lao động không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

Bộ LĐTB&XH khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện có ít nhất 1 trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định.

Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTB&XH quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, chia thành 42 lĩnh vực khác nhau như: Khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; điện; thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông…