Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 1
Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 2

 

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 3

Trong suốt 2 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, ngành Y tế Thủ đô đã "không chọn việc nhẹ nhàng", hết mình bảo vệ an toàn cho sức khỏe người dân. Với CDC Hà Nội, đã vào cuộc như thế nào trong công tác phòng, chống dịch của Thủ đô, thưa bà?

- Đại dịch Covid-19 là một trong những thách thức rất lớn đối với sức khỏe của cộng đồng, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Hà Nội với đặc thù riêng, dân số đông, nhu cầu giao lưu lớn, ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định nguy cơ bùng phát dịch rất cao. TP cũng đưa phòng chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Ngay từ khi dịch chưa xuất hiện tại Hà Nội, chúng tôi đã tích cực vào cuộc, tất cả các ca bệnh nghi nghờ đều được xử lý như ca bệnh. Chúng tôi lăn lộn cùng cơ sở để hướng dẫn những quy định về  cách ly, trang bị phòng hộ, phun khử khuẩn, xử lý rác thải… trước khi ca bệnh  đầu tiên xuất hiện. Cho nên, khi dịch chính thức xuất hiện, hệ thống y tế không bị lúng túng.

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 4

Thực ra, đây là bệnh mới, lây nhiễm rất cao, nhưng cán bộ nhân viên y tế không thể đứng ngoài cuộc. Ngày đó, chúng ta chưa tiêm vaccine nên phải thực hiện chiến lược Zero Covid-19. Khi có những ổ dịch xuất hiện, cần phải điều tra rất kỹ để khoanh vùng, xét nghiệm. Cứ có ca bệnh, ổ dịch nào cũng có cán bộ CDC đều xuống để nhân viên y tế cơ sở vững tâm hơn, 2 bên cùng thảo luận  khoanh vùng, lấy mẫu thế nào cho hợp lý. Bởi lúc ấy, cơ sở còn lúng túng về kinh nghiệm, tính quyết đoán nên những vấn đề đó cần những quyết sách, ý kiến của CDC. 

Từ khi dịch xuất hiện đến nay, cán bộ, nhân viên y tế của CDC Hà Nội cũng như ngành Y tế Thủ đô vẫn luôn nỗ lực, cố gắng hết mình thực hiện nhiệm vụ đầy khó khăn, vất vả không bút giấy nào tả xiết. Thực sự, cho đến giờ phút này về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tôi cho rằng, Hà Nội đáng tự hào vì đã đi đúng hướng. Khi chưa có vaccine, chúng ta đã thực hiện chiến lược Zero Covid, giãn cách xã hội rất tốt và triệt để. Nhờ đó, dịch không bị bùng phát, tất cả đều trong tầm kiểm soát, hạn chế tối đa số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19.

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 5

Bà có thể chia sẻ thêm những điều đọng lại trong những tháng ngày gian nan chống dịch?

- Hơn 2 năm chống dịch Covid-19, với ngành Y tế có quá nhiều kỷ niệm khó quên bởi 100 năm nay mới có trận dịch khốc liệt đến vậy. Đó cũng là kỷ niệm của rất nhiều người, trong đó có tôi, kỷ niệm khó quên trong những lúc vất vả nhất, lo âu nhất và thấy rằng, tự nhiên trong con người mình trỗi dậy sự trách nhiệm với cộng đồng.

Nhắc tới khó khăn, vất vả, thực sự, nhiều lúc nhìn anh em cán bộ của CDC Hà Nội, các TTYT quận/huyện, xã/ phường vất vả, thương lắm! Họ làm việc liên tục, suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ, … suốt từ sáng đến tối, gần như chúng tôi ăn uống thất thường, ăn cho qua bữa.

Suốt thời gian qua, ở CDC Hà Nội luôn sáng đèn, không có ngày, không có đêm. Những con người nơi đây, làm việc quên đi sự mệt mỏi. Nhiều đêm, chúng tôi không ngủ được, một phần lo lắng vì dịch, liên tục điện thoại cho anh em để lắng nghe thông tin tình hình dịch, ổ dịch đã được xử lý, điều tra, lấy mẫu, kết quả thế nào… Cứ như thế, có những lúc tôi cảm thấy đuối sức nhưng ngay sau đó phải cân bằng lại, cố gắng để tiếp tục thực hiện sứ mệnh Nhân dân giao phó. Khi chứng kiến ở nhiều nơi có tử vong do Covid-19, càng thôi thúc chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi  nhớ đến một khẩu hiệu đã được nghe từ lâu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, điều này rất đúng trong lĩnh vực phòng, chống dịch. Nếu công tác dự phòng tốt thì điều trị sẽ nhàn, ít bị tốn kém về nhân lực, vật lực, ít bị tổn thất về người.

Lại thêm một năm chống dịch vất vả qua đi, không có nghĩa là những khó khăn sẽ qua đi, thậm chí những khó khăn, thử thách sắp tới sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhưng Covid-19 đã khiến cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, nhưng không phải về khoảng cách, mà là về tinh thần và quyết tâm chống dịch vì sức khỏe của Nhân dân... Tất cả hệ thống chính trị vào cuộc, người dân đồng lòng chống dịch. Qua đợt dịch cho thấy tình yêu thương, đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái của dân tộc ta… thật đáng quí biết nhường nào. Đó là điều đọng lại trong mỗi chúng ta.

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 6
Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 7

Đã 29 năm cống hiến cho ngành Y nhưng trong chị vẫn đầy đam mê, nhiệt huyết với công việc, đặc biệt, 2 năm xảy ra dịch Covid-19, áp lực đè lên vai lãnh đạo không hề nhỏ. Điều gì đã thôi thúc chị cũng như đội ngũ y tế đam mê nhiệt huyết, lăn lộn với nghề đến vậy?

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 8

- Thực ra, trong những đợt chống dịch, tôi thấy quá nhiều người tử vong từ Trung Quốc, Ý, Mỹ, Ấn Độ… Tất cả những hình ảnh tử vong đó đã tác động rất lớn vào tâm lý của tôi cũng như cán bộ y tế. Những hình ảnh đau thương ấy cứ ám ảnh, đeo bám tôi mãi không thôi. Và tôi nghĩ rằng, nghề y đã trao cho chúng tôi nhiệm vụ, sứ mệnh cao cả là bảo vệ an toàn cho sức khỏe người dân, đây là những lúc Thủ đô, đất nước cần mình. Động lực ấy giúp tôi và cán bộ, nhân viên CDC cùng cố gắng vào cuộc chiến với mục tiêu không để người dân của mình tử vong như các nước khác. Nhưng sau đó, dịch tăng hơn, khi chứng kiến người dân TP Hồ Chí Minh tử vong nhiều, chúng tôi thực sự đau lắm. Lúc đó, cán bộ y chỉ suy nghĩ một điều duy nhất là mình làm được, mình phải cố làm. Tôi luôn động viên anh em cán bộ dự phòng: “Mình cố gắng, hy sinh, vất vả một chút nhưng đổi lại sẽ cứu được nhiều người. Người dân sẽ được bình an, khỏe mạnh, nếu mình bỏ lơ một chút thì sẽ có nhiều người tử vong. Và điều đó xảy ra thì thực sự rất đáng tiếc, ân hận”. Chúng tôi bảo nhau như thế và anh em đã nỗ lực, cố gắng rất nhiều, làm việc ngày đêm, quay cuồng với nhiệm vụ điều tra, truy vết, xử lý ổ dịch, xét nghiệm…   

Thực sự, những ngày đầu vào khu cách ly vất vả lắm! Chúng tôi đi từ sáng sớm cho đến tận 9-10 giờ đêm mới về. Trưa thì ăn tạm củ khoai lang, cái kẹo, có hôm đem theo bình nước. có khi không đủ nước để uống… Nghĩ lại những ngày đầu, thấy mình cứ vừa làm vừa dò dẫm, trong khi mọi người vô cùng sợ hãi. Nếu mình sợ thì chẳng ai lăn xả làm nhiệm vụ “đặc biệt” này. Ngày đó, chúng tôi nhận được sự khích lệ, động viên, chia sẻ của cộng đồng rất nhiều. Những tình cảm ấy, tấm lòng ấy là nguồn động viên to lớn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho chúng tôi trong những thời điểm thách thức nhất của dịch bệnh.

Tôi là người luôn thích làm những điều mới mẻ, sáng tạo, không bao giờ đi theo lối mòn, đã làm việc gì là phải cố gắng, hiệu quả. Sự thành công nào cũng phải trả giá, đổ mồ hôi. Muốn thành công, phải có kinh nghiệm, muốn có kết quả tốt, phải để tâm, công, sức vào công việc. Tôi vẫn nói đùa với mọi người là quét nhà cũng phải có tâm mới sạch được.

Tuy đã 29 năm gắn bó với nghề nhưng đến nay ở tuổi 55, tôi vẫn thường xuyên đọc, nghiên cứu các tài liệu quốc tế, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, biết lắng nghe những ý kiến từ cơ sở và “xắn tay” làm cùng cơ sở. Và đến giờ phút này, tôi cảm thấy phần nào tự hào về bản thân vì mình đã đóng góp được điều gì đó cho cộng đồng. Đó là công tác truyền thông cho cộng đồng, hỗ trợ cán bộ, hiến kế cho ngành y tế Thủ đô…

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 9

Là một nữ lãnh đạo vừa quản lý, vừa làm công tác phòng, chống dịch, phụ trách chương trình HIV/AIDS, với khối lượng công việc khổng lồ như vậy, làm thế nào để bà sắp xếp khoa học, hợp lý, cân bằng  giữa gia đình và công việc?

- 2 năm qua, thực sự gia đình rất thiệt thòi vì gần như thời gian tôi dành cho công tác chống dịch. Ban ngày đi kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch cùng với các cơ sở, đêm về muộn ngủ lại cơ quan. Tôi gần như dành rất nhiều thời gian cho việc thực tiễn, phải tìm hiểu đọc tài liệu nên ngày làm việc không phải 8 tiếng mà có khi là 20 tiếng. Có những đêm, tôi chỉ được chợp mắt một chút, sau đó dậy là lao đầu vào công việc. Những đợt cao điểm, tôi thức đêm để đọc, nghiên cứu tài liệu, phân tích xem mình cần phải làm gì. Với từng ca bệnh, ổ dịch nghiên cứu xem còn phương pháp, vấn đề mình làm chưa tốt, chưa triệt để. Cứ thế, quay cuồng với công việc.

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 10

Là người phụ nữ vừa làm chuyên môn vừa quản lý, tôi nghĩ rằng, mình phải có chuyên môn, thực tiễn mới quản lý tốt. Thời gian mình phải sắp xếp nhiều hơn, thậm chí mình cũng phải trực tiếp đi cơ sở nhiều hơn. Đối với phòng chống dịch, lãnh đạo phải sâu sát, phải có kiến thức thực tiễn mới làm được. Với y tế dự phòng, để có kết quả tốt thực sự, người cán bộ phải nhiệt huyết, có tâm với công việc. Đặc biệt, nếu làm dự phòng được một việc tốt và đúng, thì sẽ giảm hậu quả về sau rất lớn.

Thực sự, 2 năm qua, không chỉ riêng mình tôi mà nhiều cán bộ, nhân viên y tế phải hy sinh rất nhiều để có thời gian cho công tác chống dịch. Sau 2 năm chống dịch, tôi thấy thêm nhiều kinh nghiệm, vững vàng hơn, mình đã trải qua được giai đoạn cam go, nguy hiểm nhất. Đó là điều tuyệt vời nhất.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã thành công trong công tác phòng, chống dịch, trong đó có sự đóng góp rất lớn của cán bộ y tế, đặc biệt là sự tham mưu của lãnh đạo ngành y? Theo bà, hiện nay với dịch Covid-19, chúng ta cần lưu ý những điều gì?

- Tôi cho rằng, Hà Nội có quyền tự hào về những việc mình làm được. Chúng ta đã thành công, không để số ca Covid-19 tử vong cao. Hiện nay, số ca mắc của Hà Nội rất cao, có ngày hơn 9.000 ca nhiễm mới, nhưng tỷ lệ tử vong rất thấp, đa số tập trung ở những người cao tuổi, nhiều bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể thở phào, nhẹ nhõm vì dịch vẫn chưa kết thúc. Hiện nay, nhiều người dân quá lơ là, chủ quan, vì nghĩ rằng đã tiêm đủ liều vaccine nên cứ vô tư tập trung đông người như đám hiếu, đám hỉ, liên hoan, gặp mặt... Số mắc bệnh hiện tại vẫn rất cao. Số nhiễm càng cao thì số người tử vong càng nhiều. Nếu quá tải y tế, thì số tử vong sẽ còn cao nữa do bệnh nhân nặng không được chăm sóc kịp thời. Nên biện pháp hiện nay là chúng ta vẫn phải theo dõi sát tình hình dịch để đánh giá dịch cho đúng nhằm có biện pháp giảm đỉnh dịch. Nếu số ca nhiễm quá cao, khi ấy, chúng ta phải hạn chế những sự kiện đông người. Về chuyên môn y tế, để giảm tỷ lệ tử vong vẫn là chiến lược chăm sóc tốt tại nhà tránh bệnh nhẹ chuyển thành nặng. Đồng thời bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị y tế ở khu vực bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 11

Nói về chăm sóc tại nhà, hiện nay chủ yếu do y tế cơ sở thực hiện. Họ rất vất vả do quá tải. Nên các bệnh viện (BV) đã phải hỗ trợ cho y tế cơ sở trong việc tư vấn, chăm sóc bệnh nhân. Về vấn đề này, Hà Nội đã làm rất tốt. Từ trước Tết Nguyên đán, có một số BV T.Ư đóng trên địa bàn đã hỗ trợ cho Hà Nội. Điển hình như BV Phổi Trung ương đã tập huấn cho các cơ sở, sau đó, phân công bác sĩ tham gia vào các nhóm hỗ trợ bệnh nhân, hỗ trợ chăm sóc tại nhà bởi hiện nay, chăm sóc tại nhà là chủ đạo. Quan trọng là tư vấn cho bệnh nhân biết cách tự chăm sóc và điều trị tại nhà, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế kịp thời, phù hợp. Điều này đòi hỏi công tác quản lý phải tốt, phải nhìn xa trông rộng, thấy được các vấn đề, đưa ra các kịch bản phù hợp.

Trên thế giới, một số nước muốn công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo về vấn đề này, dịch Covid-19 chưa thể trở thành bệnh đặc hữu. Tôi nghĩ rằng, Covid-19 thành bệnh đặc hữu phải một thời gian nữa, ít nhất là cuối năm 2022. Khi đó, độc lực của virus giảm và chúng ta đã có những biện pháp về thuốc như thuốc kháng virus đặc hiệu, kháng thể trung hòa…

Xin cảm ơn bà!

Tự hào khi cống hiến hết mình vì sức khỏe Nhân dân - Ảnh 12

10:53 27/02/2022