Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ tin giả đến hậu quả thật

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây có tình trạng ngân hàng bị khách hàng đồng loạt rút tiền, thị trường chứng khoán lao dốc kỷ lục... Nhiều tin đồn thất thiệt được tung lên mạng xã hội đã gây ra những hệ lụy rất lớn đến hoạt động bình thường của nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán.

Facebooker Đặng Như Q. tại cơ quan công an. Ảnh: Baogiaothong.vn
Facebooker Đặng Như Q. tại cơ quan công an. Ảnh: Baogiaothong.vn

Ngân hàng, chứng khoán chao đảo vì tin đồn

Trong kỷ nguyên mạng xã hội phát triển, giúp dễ dàng kết nối và truyền tải thông tin khiến nhiều cá nhân đã lợi dụng điều này để đăng tải thông tin không đúng sự thật, tung những tin đồn gây hoang mang dư luận. Sự việc người dân đồng loạt đi rút tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB trong thời gian qua là một minh chứng điển hình. Không chỉ Ngân hàng SCB bị ảnh hưởng, mà lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cũng phải lên tiếng vì một số khách hàng nhầm SCB là Sacombank dẫn đến hiện tượng một số người dân đến rút tiền trước hạn.

Chiều 27/10, TAND quận Nam Từ Liêm đã đưa Đặng Như Q. (sinh năm 1980, ở quận Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân” theo khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự. Trước đó, là một facebooker có lượng lớn người theo dõi, Đặng Như Q., đã có các bài viết trên Facebook hàm ý về một số cá nhân đại diện các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán sắp bị xử lý hình sự; gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, làm thiệt hại về kinh tế, uy tín của tổ chức, cá nhân và nhà đầu tư. Căn cứ vào các chứng cứ, TAND quận Nam Từ Liêm đã tuyên phạt bị cáo Đặng Như Q. 2 năm tù.

Cách đây hơn 1 tháng, tin đồn về việc bắt một chủ DN bất động sản lớn được nhiều người lan truyền một cách ẩn ý, không rõ thực hư. Đến khi xuất hiện dày đặc cái tên Vạn Thịnh Phát trên các trang mạng xã hội, hội nhóm, sau khi ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt - đột ngột qua đời, thị trường đã chìm trong "chảo lửa".

Tiếp đến, thông tin bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bị bắt tạm giam để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được phát ra. Sự việc này khiến không ít nhà đầu tư dè chừng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải nhanh chóng vào cuộc trấn an: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường”.

Hồi tháng 7, thị trường chứng khoán từng bị một phen chao đảo, cổ phiếu “họ Vin” bị bán mạnh trước tin đồn. Sau đó, Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan chức năng đã làm việc với người đưa tin thất thiệt; đồng thời nhận định tin này đã gây ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của DN, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Theo các chuyên gia kinh tế, để tồn tại lâu dài trên thị trường, ngoài kiến thức và kinh nghiệm, nhà đầu tư cũng cần có lập trường riêng và tâm lý vững, tránh bị dẫn dắt. Hơn hết, cổ phiếu tốt sẽ đến từ DN có sức khỏe tài chính và tiềm lực phát triển tốt, chứ không phải dựa vào tin đồn.

Cần thiết khởi tố nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, trong thời gian vừa qua rất nhiều tin đồn thất thiệt được tung lên mạng xã hội gây ra những hệ lụy lớn đến hoạt động bình thường của nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường chứng khoán.

Để đẩy lùi tình trạng phát tán tin đồn thất thiệt gây thiệt hại cho DN và thị trường, chúng ta cần có giải pháp đồng bộ như sửa đổi, bổ sung các chế tài mạnh hơn đối với các tin đồn ác ý gây hại cho các tổ chức kinh tế và thị trường. Hiện tại hệ thống pháp luật đã có các chế tài xử lý đối với hành vi tung tin đồn sai sự thật gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức từ xử phạt hành chính đến xử lý trách nhiệm hình sự đối với các đối tượng vi phạm.

“Chúng ta cần sửa đổi các quy định này để tăng chế tài xử lý nhằm ngăn ngừa và răn đe các hành vi vi phạm. Chẳng hạn hiện tại đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội chỉ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cá nhân tôi cho rằng, mức phạt này chưa đủ sức răn đe; cần nâng mức phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng bởi có những tin đồn, sai sự thật gây thiệt hại cho các DN hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về các tội phạm tương ứng như Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân (Điều 331)” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: “Quan trọng ở đây là chúng ta phải giám sát được tin đồn thất thiệt vì thị trường chứng khoán rất nhạy cảm. Tung tin để trục lợi, tất cả những trường hợp ấy chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hay là Bộ Công an phải xử lý rất nghiêm”.

Trong khi đó, Bộ Công an khuyến cáo, tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý.