Vụ cháy “chung cư mi ni” ở Thanh Xuân, Hà Nội với hậu quả thảm khốc khiến cả nước bàng hoàng, gây mối lo thường trực cho những người đang sống trong các tòa chung cư, “chung cư mini”. Nguyên nhân trực tiếp của vụ cháy mới đây đã được cơ quan chức năng giám định kết luận. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) vẫn đang là vấn đề nan giải và còn tồn tại nhiều bất cập...
Xung quanh những vấn đề trên, để làm rõ hơn, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Trần Văn Đồng - Giảng viên Đại học Phòng Cháy chữa cháy (Bộ Công an).
Qua vụ cháy “chung cư mi ni” khiến 56 người tử vong thương tâm vừa qua, có nhiều ý kiến trái chiều về mối nguy cơ cháy nổ ở chung cư, đặc biệt là “chung cư mi ni”; Thượng tá có nhận định như thế nào về vấn đề này?
Hiện nay, cơ quan thanh tra, kiểm tra đang khẩn trương vào cuộc, gắn trách nhiệm từng tập thể, cá nhân liên quan vụ cháy. Đối với tòa nhà nơi xảy ra cháy, từ khi được giấy phép xây dựng để khi hình thành, đi vào sử dụng thì lực lượng phòng cháy là lực lượng cuối cùng xuống kiểm tra và đưa ra khuyến cáo. Đầu tiên là chính quyền rồi ngay cả các đồng chí công an phường, xã họ đã đến kiểm tra trước rồi… Đối với người dân thì là một nhóm đối tượng họ có nhu cầu thực và tài chính thấp thì phải chọn mua những chỗ ở rẻ, với mức 700 – 800 triệu đồng thì họ chọn những chỗ ở đó (chung cư mini).
Và khi chọn chỗ ở như vậy họ phải xác định được rằng là nó sẽ không đảm bảo an toàn nói chung. Từ động đất, dịch vụ điện, nước, rồi đi lại họ sẽ bất tiện hơn rất nhiều. Còn về phòng cháy thì đương nhiên không đảm bảo. Bởi vì không có công trình nào mà ở trong ngõ hẹp lại xây nhiều tầng, số lượng phòng đông. Vì vậy, người dân đã mua những ngôi nhà như vậy phải xác định là thiệt thòi về những điều kiện an toàn.
Trong Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản dưới luật quy định rất chi tiết là một gia đình, một chủ hộ trong quá trình ở, sinh hoạt và làm việc thì phải đảm bảo được ít nhất là 3 trách nhiệm (Tại Khoản 3, Điều 5 Luật sửa bổ sung một số điều Luật PCCC năm 2013). Việc đầu tiên, đó là chủ hộ phải thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở những thành viên trong gia đình nhà mình chấp hành tốt quy định về PCCC. Việc thứ hai, là phải làm là phải kiểm tra và khắc phục kịp thời các nguy cơ cháy nổ trong gia đình đó. Thứ ba, phải phối hợp với chính quyền địa phương rồi với cả ngay cả chủ ban quản lý của tòa nhà đó và các hộ xung quanh để đảm bảo tốt về an toàn PCCC. Thực tế hiện nay chủ hộ nhưng không biết được những trách nhiệm và người dân gần như cũng rất ít người nắm rõ điều kiện an toàn PCCC hộ gia đình như thế nào.
Nếu như người dân mà đã ở thì không phải ở chung cư mà ngay cả dưới mặt đất đều phải chấp hành, phải đều phải thực hiện được 3 trách nhiệm của mình và cố gắng duy trì 3 điều kiện an toàn phòng cháy trong gia đình nhà mình. Nói riêng về chung cư, đã gọi là chung thì là người ta chung nhau từ điện, nước, không khí, thơi thở… với nhau. Chung cư 5 sao hay 10 sao, rồi “chung cư mini” cháy vừa qua.
Nói một cách hình tượng rằng người dân đã ở chung cư như là cùng nhau lên một cái xe buýt; ở chung cư như vậy như chiếc xe buýt dựng ngược, mình an toàn rồi nhưng hàng xóm không an toàn vì vẫn không được. Nếu ông lái xe, ông chủ xe, chủ công trình không an toàn, tức là ông quản lý không an toàn... hành khách cũng không an toàn. Người dân phải xác định là đã ở chung, từ chung cư mini đến chung cư cao cấp đều phải nhớ rằng đó là chúng ta đang chung nhau tất cả các hạ tầng; trong đó, có cả hạ tầng về an toàn PCCC... Ông chủ hộ, bất kỳ là ai phải duy trì được 3 điều kiện trong căn hộ, thực hiện đủ 3 trách nhiệm của mình. Nếu làm được điều đó thì mọi việc sẽ ổn. Còn vướng, thiếu sót chỗ nào thì phải tự trang bị cho mình.
Như vậy, ở chung cư phải chấp nhận những điều kiện “chung”, nhưng để đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ thì vẫn phải có cái riêng?
Đúng vậy! chủ hộ phải xác định còn thiếu gì thì chủ động trang bị cho gia đình mình. Ví dụ, trong vụ cháy vừa rồi có những gia đình họ tự mua cái cái thang dây (bỏ chỗ 3 - 4 năm) nhưng khi xảy ra cháy họ không chỉ đưa được gia đình thoát nạn mà còn giúp cả những gia đình khác thoát nạn. Rõ ràng, chủ hộ đó đã dự phòng cho chính mình những cũng sẵn sàng giúp đỡ cho nhiều người khác cho dù hạ tầng và điều kiện an toàn phòng cháy của “chung cư mini” đó không đạt yêu cầu. Đó là điều rất tốt. Và, thực tế sau vụ cháy đang sốt rất nhiều về bình chữa cháy, mặt nạ lọc độc, thang dây... Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”(!).
Do đó, ở cương vị là lực lượng PCCC & CNCH chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, người dân phải tự trang bị kiến thức mà chúng ta gọi là “kỹ năng mềm” về phòng cháy rất quan trọng. Phải chú trọng công tác phòng cháy hơn chữa cháy. Trong đó, gia đình phải quản lý tốt chất cháy, nguồn nhiệt. Và bản thân các thành viên đều phải thực hành tốt kỹ năng an toàn về phòng cháy, sau đó mới đến chữa cháy và thoát nạn. Cháy nhỏ, cháy to đều thiệt hại không ít thì nhiều về cả người và tài sản. Thế nhưng phòng như thế nào thì phải học chứ không phải là nói một lúc là xong.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã có kết luận giám định nguyên nhân gây cháy được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) chứ không phải do chập cháy từ việc sạc pin xe điện. Thượng tá có quan điểm như thế nào?
Vừa qua, có những thông tin về việc xe đạp điện với xe máy điện khi cháy nổ pin không dập được. Điều này là sai hoàn toàn. Thực chất pin lithium trên thị trường rất đắt. Các cửa hàng bán xe đạp điện hiện nay chủ yếu là pin axit-chì. Về cơ bản thì loại pin nào cũng có thể gây cháy nhưng đối với loại xe sử dụng pin và xe sử dụng xăng thì xe chạy xăng có khả năng cháy nhanh rất nhiều, chỉ cần dò xăng và chập là bùng lên ngay. Còn xe chạy pin phải quá tải, pin bị phồng rộp, cực nóng mới cháy. Hiểu sai vấn đề như vậy là một số người đang đi ngược với xu hướng Zero carbon của Chính phủ và các nước tiên tiến trên thế giới đặt ra, hướng tới phương tiện chạy pin.
Vấn đề ở đây là khi người dân mua một phương tiện về sử dụng thì phải biết cách vận hành, biết cách bảo trì, bảo dưỡng nó. Mua xe điện bao nhiêu thời gian thì thay pin, pin sạc như thế nào? Khi đi xe về pin đang nóng phải để nó nguội bao nhiêu tiếng sau đó mới sạc lại? Rồi quá trình sạc thì bộ sạc đó phải để như thế nào? Bởi vì bộ sạc lúc nào cũng có quạt tản nhiệt. Quan điểm của những người làm về phòng cháy muốn nhấn mạnh rằng xe xăng và xe chạy bằng ắc quy thì xe xăng chiếm tỷ lệ cháy cao hơn.
Thực tế các “chung cư mi ni” được xây dựng hầu hết không đảm bảo về PCCC, đặc biệt là cầu thang thoát hiểm, ông đánh giá vấn đề này ra sao?
Quay trở lại vấn đề về phòng cháy người dân không chỉ có chịu trách nhiệm về xác định cho mình ở chỗ nào. Người dân phải biết cách sử dụng, biết cách vận hành, bảo trì, bảo dưỡng tất cả các thiết bị. Người dân mà không quan tâm thì không còn cách nào khác. Bởi đó là tính mạng và tài sản của chính mình. Trên tinh thần là tự mình cứu trước, hay chờ lực lượng PCCC & CNCH đến cứu?
Một bài học đau xót đã xảy ra rồi, bao nhiêu con người đã ra chạy ra chết ở cầu thang. Vì mở cửa ra rồi ngạt khói khí độc chết. Toà “chung cư mi ni” xảy ra cháy đó có cầu thang nhưng đâu phải cầu thang thoát nạn. Cầu thang thoát nạn ở các chung cư được thiết kế phải đảm bảo khói không lan vào được. Quạt hút ở trên tum hoạt động bơm vào buồng thang, áp suất trong buồng thang lúc nào cũng cao hơn bất cứ ở các tầng nào, khi cháy khói không vào được mà khí sạch đó giúp người dân chạy vào để thở.
Còn nhà “chung cư mini” vừa rồi, cầu thang đơn thuần giống các nhà ở mặt đất khác. Cầu thang là cầu thang hở mà theo nguyên lý của không khí là nhẹ và nóng bay lên cao. Tất cả khói khí độc đều hứng vào cầu thang đó, khi cháy mở cửa ra, chạy vào cầu thang là chết. Cầu thang trở thành ống khói. Khi lực lượng phòng cháy, CNCH tiếp cận hiện trường xác định nhiều người chất ở cầu thang các tầng trên cao do ngạt khí.
Số người tử vong trong vụ cháy “chung cư mi ni” là thảm hoạ, Thượng tá có thể nói rõ hơn về nguy cơ ngạt khí độc khi đám cháy xảy ra?
Thực ra những sản phẩm cháy nói chung thường gọi là khói. Trước đây, cháy thường là vật liệu, đồ dùng bằng gỗ hoặc những vật dụng từ tự nhiên. Và khi cháy nhiệt độ trên dưới 1.000 độ C thì biến thành sản phẩm cháy là CO2 và hơi nước. Nhưng hiện nay cháy vật liệu nhiều là vật liệu nhân tạo như: rèm, thảm gỗ, nhựa, vải cao su,… khi cháy không đạt được nhiệt độ không cao (chỉ dưới 1.000 độ C) do đó biến thành sản phẩm trung gian đó là carbon monoxide (CO), đó là khí rất độc. Hít phải CO nó bám vào hồng cầu, dẫn tới thiếu máu não, thiếu dưỡng khí, tự ngất rồi chết. Sản phẩm nhân tạo càng nhiều, nhựa hoá càng nhiều khi xả ra cháy càng tạo ra nhiều khí CO. Vụ cháy chung cư vừa qua có nhiều nạn nhân tử vong vì hít phải khí này.
Thượng tá đưa ra những khuyến cáo, giải pháp gì đối với người dân ở các tòa nhà cao tầng, cụ thể “chung cư mi ni” khi xảy ra cháy nổ?
Về nguyên lý, khi cháy khói bay lên cao trong cầu thang hở. Các lực lượng PCCC thời gian qua đưa ra rất nhiều khuyến cáo về cách thoát nạn. Khi cháy nạn nhân phải cố gắng chạy xuống, còn trong trường hợp mà không xuống được nữa thì mới phải chạy lên. Vì có chạy lên thì lực lượng CHCN rồi cũng tìm cách đưa nạn nhân xuống. Nếu ban đêm chạy lên tầng cao mà không xác định được hướng, thiếu ánh sáng đèn chiếu mà đứng vào phía khói nó cuộn ngược lại cũng nguy cơ tử vong cao.
Trong vụ cháy “chung cư mi ni”, có nhiều gia đình đã đóng cửa lại, họ cố thủ ở trong căn hộ và đều sống. Thực tế người dân vẫn còn nhiều người chưa hiểu biết về thoát nạn, tức là khi cháy là cứ phải mở cửa, phải chạy nhưng quên rằng ở tại chỗ, cố thủ để chờ sự cứu hộ cũng chính là thoát nạn. Đấy là một điều rất quan trọng và điều này thì ở những mô hình chung cư mới, người dân phải học. Thực tế, trên báo chí, phương tiện đại chúng và hệ thống mạng xã hội bây giờ rất nhiều, cũng hướng dẫn rất nhiều rồi. Dùng khăn ướt, giẻ ướt, băng dính bản to… để ngăn khói cố thủ trong phòng đều là những thứ rất đơn giản nhưng có thể ở lại được. Có gia đình ở trong căn hộ chung cư đến tận 5 giờ sáng hôm sau và họ thoát an toàn, đó là ví dụ điển hình.
Sự cố cháy, nổ có thể xảy ra ở mọi mô hình nhà ở khác nhau. Với những người dân lao động sống trong chung cư, chung nhau tất cả các hạ tầng từ hạ tầng an toàn điện, nước, an toàn về PCCC... Chính vì vậy, người dân khi về đây sinh sống cần hết sức chú ý và quan tâm đến những hạ tầng này. Nếu có điều kiện, người dân nên lựa chọn những chung cư có đầy đủ hạ tầng và đủ điều kiện do cơ quan chính quyền địa phương, cơ quan thẩm quyền cấp phép...
06:21 25/09/2023