Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuần qua, giá dầu trái chiều do ảnh hưởng của đợt bão tuyết kỷ lục tại Mỹ

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng tuần qua trái chiều khi giá dầu Brent tăng khoảng 0,5%, còn dầu ngọt nhẹ WTI giảm khoảng 0,7%.

Đợt bão tuyết kỷ lục ảnh hưởng nhiều khu vực tại Mỹ đã hỗ trợ đẩy giá dầu tăng mạnh trong phiên giao dịch 15/2. Khép phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ vượt ngưỡng 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 1 năm ngoái.
Thị trường nhiên liệu tiếp tục khởi sắc trong 2 phiên giao dịch liền sau đó, thậm chí có thời điểm tiến sát mức đỉnh trong 13 tháng khi thời tiết lạnh giá khiến các giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas (Mỹ) đóng cửa.
Thời tiết lạnh giá khiến các giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas (Mỹ) đóng cửa.
Các nhà phân tích của Rystad Energy ước tính, thời tiết lạnh giá sẽ khiến sản lượng dầu thô của Mỹ giảm từ 500.000 - 1,2 triệu thùng. Công suất lọc dầu khoảng 3 triệu thùng/ngày cũng bị ảnh hưởng khi một số nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ ngừng hoạt động, bao gồm cả các cơ sở của Motiva Enterprises tại Port Arthur, Texas.
Ngoài ra, những lo ngại về khả năng nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn tại Trung Đông sau một vụ tấn công vào 2 sân bay của Ả Rập Saudi cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, xu hướng phục hồi của giá “vàng đen” đã bị chặn lại trong phiên giao dịch ngày 18/2 do nhà đầu tư đẩy mạnh bán chốt lời.
Giá dầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày 19/2, khi các công ty năng lượng của bang Texas, Mỹ, bắt đầu chuẩn bị cho việc khởi động lại các mỏ dầu và khí đốt vốn đã phải đóng cửa vì thời tiết giá rét.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu Brent sụt 1,02 USD, tương đương 1,6%, về mức 62,91 USD/thùng, trong khi đó giá dầu ngọt nhẹ WTI giảm 1,28 USD, tương đương 2,1%, xuống còn 59,24 USD.
Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng khoảng 0,5%, song giá dầu WTI lại giảm khoảng 0,7%. Trong phiên giao dịch ngày 18/2, cả 2 loại dầu chủ chốt này đều có thời điểm chạm mức cao nhất trong hơn một năm.
Jim Ritterbusch - Chủ tịch của Ritterbusch và Associates nhận định, đợt giảm giá dầu vào cuối tuần là khá nhẹ và dường như thị trường đang điều chỉnh giữa bối cảnh giá dầu đã tăng mạnh kể từ đầu tháng đến nay.
Theo giới phân tích, nhiệt độ xuống thấp bất thường ở Texas - bang sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ - đã khiến sản lượng khai thác dầu của bang này giảm 4 triệu thùng/ngày và sản lượng khí đốt giảm 21 tỷ feet khối/ngày. Cùng với đó, Texas phải ngừng 1/5 công suất lọc hóa dầu của toàn nước Mỹ vì tình trạng mất điện và băng giá.
Tuy nhiên, Reuters hôm 19/2 cho biết, các công ty năng lượng ở Texas đã bắt đầu chuẩn bị cho việc tái khởi động sản xuất, khi các dịch vụ cung cấp điện và nước dần được nối lại.
"Thị trường đã chín muồi cho một đợt điều chỉnh và những dấu hiệu về tình hình trở lại bình thường ở Texas chính là nhân tố cần thiết kích hoạt sự điều chỉnh đó", nhà phân tích năng lượng Vandana Hari thuộc Vanda Insights phát biểu.
Giá dầu suy yếu trong phiên ngày thứ Sáu dù số liệu thống kê mới nhất cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm trong tuần kết thúc vào ngày 12/2, thời điểm trước đợt lạnh giá ở Texas. Theo báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này giảm 7,3 triệu thùng, còn 461,8 triệu thùng.
Chính phủ Mỹ ngày 18/2 tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Iran về việc 2 nước quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đa phương ký năm 2015 nhằm kiềm chế tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran.
Dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể đặt ra triển vọng Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran. Tuy nhiên, giới phân tích không cho rằng lệnh cấm vận đối với ngành dầu mỏ Iran sẽ được gỡ bỏ ngay.
"Bước tiến này làm gia tăng khả năng Iran sẽ sớm quay trở lại thị trường dầu mỏ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn và một thỏa thuận mới, nếu có, sẽ không phải là sự sao chép của Thỏa thuận hạt nhân Iran", nhà phân tích Kevin Solomon của StoneX nhận xét./.