Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từng bước giải bài toán khó

Phạm Công - Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày ở đô thị lớn như Hà Nội. Trước nguy cơ ùn tắc dàn trải hơn, cần có một lộ trình khoa học để giải quyết.

Những năm gần đây, Hà Nội đang triển khai từng bước và có phần tiến triển, đặc biệt khi hai tuyến đường sắt trên cao đã được đưa vào khai thác thương mại.

Rồi mới đây, Sở GTVT Hà Nội có tờ trình đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm ùn tắc giao thông. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 225 tỷ đồng từ ngân sách TP, thực hiện từ năm 2024 đến 2027. Dự án sẽ điều chỉnh kích thước vỉa hè, dải phân cách tại các vị trí đủ điều kiện, tổ chức giao thông tại một số nút giao trên 7 tuyến đường, phố gồm: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Minh Giám, Khuất Duy Tiến.

Việc cải thiện hạ tầng giao thông bằng cách xén hè, mở rộng nút giao không phải chi trả kinh phí giải phóng mặt bằng, thời gian thi công khá nhanh nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về giao thông trong bối cảnh hiện nay.

Với chủ trương đầu tư xây dựng dự án, cải tạo hạ tầng, tổ chức giao thông cấp bách một số nút giao, tuyến đường để giảm thiểu ùn tắc giao thông sẽ góp phần nâng cao khả năng thông hành, giảm ùn tắc giao thông, tạo cho người dân có ý thức khi sử dụng vận tải hành khách công cộng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có tuyến đi qua.

Cải thiện hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết ùn tắc trên những tuyến đường này. Có thể thấy rằng, với một tuyến đường xuyên tâm nhưng chỉ có 2 làn xe hỗn hợp không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại ngày một tăng của người dân. Trên tuyến đường được Sở GTVT nêu trên, vỉa hè còn rất rộng. Vỉa hè có chỗ lên tới 7m đang được sử dụng với nhiều mục đích như trông xe, bày bán hàng hóa... rất lãng phí. Hoàn toàn có thể nghiên cứu, xén vỉa hè, mở rộng thêm 1 làn đường hỗn hợp để phương tiện lưu thông thuận lợi hơn.

Với phương án này, Sở GTVT cũng đề xuất xén hè, mở lối rẽ phải liên tục tại một số nút giao. Trên thực tế, tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội đã thiết kế làn đường rẽ phải liên tục cho phương tiện. Việc xén hè mở làn rẽ phải liên tục trên đường Lê Văn Lương sang những tuyến đường khác sẽ tạo điều kiện cho phương tiện muốn rẽ lưu thông mà không bị phương tiện đi thẳng lấn làn hay phải dừng đèn đỏ. Như vậy, giao thông tại các nút giao sẽ được diễn ra liên tục, thuận lợi, giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Từ thực tế cho thấy, một số tuyến đường được xén dải phân cách trước đó như: Nguyễn Chí Thanh, Tôn Thất Thuyết, Văn Cao, Liễu Giai đã đem lại những kết quả tích cực về việc giảm thiểu ùn tắc giao thông, góp phần đồng bộ năng lực mạng lưới đường đô thị trong khu vực trung tâm.

Để dự án có thể thành công, cơ quan chức năng cần có nghiên cứu kỹ thực trạng từng đoạn của các tuyến đường để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Bên cạnh việc xén dải phân cách, để giảm ùn tắc hiệu quả cần đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có phát triển giao thông công cộng, xây dựng thêm cầu vượt, hầm chui…

Đặc biệt, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi dừng đỗ xe, kinh doanh dịch vụ gây cản trở giao thông, mất trật tự đô thị trên nhiều tuyến đường phố nội thành, trong đó có các tuyến phố nêu trên vẫn đang diễn ra. Do vậy, song song với công tác đầu tư, xây dựng, tối ưu tổ chức giao thông, Hà Nội cần tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, xử lý vi phạm lấn chiếm hè đường; xử lý mạnh tay hơn nữa vừa để giữ gìn cảnh quan đô thị, đồng thời góp phần giảm tải ùn tắc giao thông cục bộ.