Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tương lai mờ mịt của Catalonia

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị viện Catalonia đã chính thức thông qua nghị quyết tuyên bố thành lập nhà nước độc lập. Tuy nhiên, động thái này dường như đặt Catalonia vào thế khó.

Vài giờ sau khi Catalonia thông báo quyết định, Thượng viện Tây Ban Nha cũng phê chuẩn kích hoạt Điều 155 Hiến pháp, cho phép chính quyền T.Ư Madrid sử dụng quy định trực tiếp đối với Catalonia. Theo đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã sa thải Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont, Phó Thủ hiến Oriol Junqueras, cảnh sát trưởng, giải tán nội các và nghị viện khu vực. Nữ Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria được trao quyền kiểm soát khu vực.
 Tuyên bố độc lập của Catalonia vấp phải sự phản đối của nhiều nước.
Người đứng đầu Tây Ban Nha cũng kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử mới cho khu vực vào ngày 21/12, khẳng định đây là biện pháp cần thiết để khôi phục pháp luật sau cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua.
Sau khi Nghị viện khu vực thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập, các nước đã ngay lập tức có phản ứng. Đa số đều không ủng hộ việc Catalonia tách ra khỏi Tây Ban Nha. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói, Catalonia là một phần không tách rời của Tây Ban Nha và Washington ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến định của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì một đất nước vững mạnh, thống nhất.

Pháp, Anh, Italia và Đức cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh, Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét. Chính phủ Đức khẳng định ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ Hiến pháp nước này. Một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.
Jean-Claude Piris - cựu Cố vấn pháp lý cấp cao cho EU, cho hay bất kỳ thực thể nào cũng có quyền tuyên bố độc lập. Nhưng để trở thành một nhà nước thì yếu tố quan trọng nhất là sự công nhận của cộng đồng quốc tế. "Tất cả đều có quyền đưa ra tuyên bố độc lập, nhưng hành động này không có ý nghĩa quốc tế", ông Piris nói thêm.

Hiện, Liên minh châu Âu (EU) chưa có phát ngôn chính thức nhưng sau cú sốc Anh rời khỏi khối (Brexit), nhiều khả năng EU cũng sẽ không ủng hộ phương án này. "Tất cả các thành viên EU đều coi trọng sự toàn vẹn lãnh thổ. Họ không muốn điều tương tự xảy ra với mình. Bởi lẽ đó, sẽ rất khó để tìm kiếm bất cứ sự ủng hộ nào từ các nước thành viên" - Narin Idriz, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Asser tại Hague, Hà Lan cho hay.

Điều này đồng nghĩa với khả năng không chỉ bị cô lập ngoại giao và đối mặt với nguy cơ xung đột nội bộ, Catalonia sẽ phải đối mặt với cả rào cản trong vấn đề kinh tế bởi khu vực này sẽ không được hưởng các quyền lợi về mặt kinh tế, thuế quan với tư cách là thành viên EU. Hiện tại, Bộ Kinh tế Tây Ban Nha đã gia tăng quyền kiểm soát các lĩnh vực tài chính của Catalonia, ngăn chặn khu vực sử dụng quỹ nhà nước để thực hiện những nỗ lực ly khai và bắt đầu trực tiếp chi trả cho các dịch vụ thiết yếu. Thủ tướng Rajoy cũng đề xuất việc nắm quyền kiểm soát tài chính hoàn toàn.