Tương lai Trung Quốc nhìn từ nghị quyết lịch sử

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây được coi là nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm củng cố hơn nữa quyền lực và xác định di sản của mình trong lịch Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây thông qua nghị quyết về những kinh nghiệm lịch sử và các thành tựu nước này đạt được, hãng thông tấn Tân Hoa xã đưa tin. Đây được coi là một văn kiện nhằm củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nghị quyết lịch sử
Được đưa ra vào ngày 11/11 - ngày họp cuối cùng của Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghị quyết kêu gọi duy trì "quan điểm đúng đắn về lịch sử đảng" và nhấn mạnh đảng đã "viết nên bản anh hùng ca tráng lệ nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Trung Quốc", theo Tân Hoa Xã.
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Ủy ban Trung Ương khẳng định, bài học rút ra từ lịch sử đảng là giữ vững nguyên tắc trong 10 lĩnh vực với vai trò của người lãnh đạo đảng là ưu tiên hàng đầu.
Trước thềm hội nghị, giải pháp này từng được coi là nhằm củng cố vị trí của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như đảm bảo khả năng ông sẽ đạt được nhiệm kỳ thứ ba.
"Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi toàn đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết chặt chẽ hơn nữa xung quanh Trung ương Đảng với hạt nhân là ông Tập Cận Bình, để thực hiện toàn diện tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới", tài liệu này cho hay.
Cũng theo Tân Hoa Xã, nghị quyết ca ngợi những đóng góp của các nhà lãnh đạo trước đây như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Nghị quyết kêu gọi thúc đẩy “thịnh vượng chung” và “tự chủ” bằng khoa học và công nghệ, đồng thời khẳng định tình hình Hong Kong “đã được đưa vào tầm kiểm soát sau sự hỗn loạn”.
Sự lãnh đạo tương lai

Ông Tập Cận Bình được coi là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời ông Mao Trạch Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bỏ giới hạn nhiệm kỳ về vị trí Chủ tịch nước của ông Tập Cận Bình năm 2018, cho thấy ý định sẽ tiếp tục nắm quyền của nhà lãnh đạo này.

Khi giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước được hủy bỏ vào năm 2018, các quan chức nhận định với báo giới rằng, ông Tập Cận Bình cần có nhiều thời gian hơn để đảm bảo những cải cách kinh tế cũng như những cải cách trên các lĩnh vực khác được tiến hành. 

Các chuyên gia nhận định, việc thông qua nghị quyết lịch sử này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy kỷ nguyên mới này đã bắt đầu. 

Ông Geremie R. Barmé, một nhà sử học về Trung Quốc tại New Zealand cho rằng: "Đây không phải là một nghị quyết về lịch sử quá khứ mà là một nghị quyết về sự lãnh đạo tương lai".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 68 tuổi, là nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc trong hàng thập kỷ. 

Trong những năm qua, ông Tập Cận Bình đã đưa ra hàng loạt sáng kiến chính sách đầy tham vọng nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng cho xã hội Trung Quốc. Theo đó, những ưu tiên chính sách của ông tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý các bất ổn trên thị trường bất động sản và bất bình đẳng trong xã hội.

Nghị quyết lịch sử được đưa ra giữa bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng trên thế giới, và dự báo Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong 1 thập kỷ tới. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần