Ngày 25/3, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear cảnh báo việc cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ tác động tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ tại châu Á.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện về ngân sách quốc phòng năm 2015, Đô đốc Locklear nhấn mạnh những thay đổi về ngân sách quốc phòng sẽ giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu, đối phó của lực lượng Mỹ trong những tình huống khẩn cấp tại châu Á (nếu có), làm suy yếu khả năng hợp tác của Mỹ với các đồng minh trong khu vực và giảm sự tin tưởng của các đồng minh vào sức mạnh Mỹ.
Đối với việc Trung Quốc đang tăng cường hiện đại hóa quốc phòng, Đô đốc Locklear cảnh báo nhiều khả năng vào cuối năm nay, cường quốc châu Á này sẽ lần đầu tiên sở hữu những tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, một phần của hạm đội tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của Bắc Kinh.
Theo ông Locklear, những tàu ngầm lớp mới nhất của Trung Quốc sẽ được trang bị một loại tên lửa đạn đạo mới có tầm bắn ước tính 7.500km.
Binh sỹ Mỹ tham gia một cuộc tập trận tại tỉnh Chonburi, Thái Lan. (Nguồn: THX/TTXVN)
|
Quan chức quốc phòng Mỹ nhận định Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể về năng lực tàu ngầm và trong khoảng thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng gồm 60-70 tàu ngầm tương đối hiện đại - một con số không nhỏ đối với một cường quốc khu vực.
Nguồn tin Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ cho biết hiện Trung Quốc có năm tàu ngầm hạt nhân tấn công, bốn tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công chạy bằng diesel.
Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu quốc hội Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 1995-2012, Bắc Kinh đã sản xuất trung bình 2,9 tàu ngầm/năm.
Cùng chia sẻ quan ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Á sau khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng Curtis Scaparrotti cũng cho rằng giảm chi phí quân sự sẽ ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp của lực lượng Mỹ tại nước này.
Hiện tại, sức ép về ngân sách đang khiến các đồng minh nghi ngờ khả năng chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục theo đuổi cam kết gia tăng sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Quốc hội Mỹ đang cân nhắc khả năng giảm ngân sách quốc phòng, đặt mục tiêu đưa quân đội Mỹ trở thành một lực lượng tinh gọn nhưng hiện đại hơn thay cho một lực lượng cồng kềnh nhưng năng lực tác chiến kém hơn.
Tuy nhiên, một số nghị sỹ quan ngại việc giảm ngân sách sẽ làm suy yếu năng lực của quân đội, đặc biệt trong giai đoạn tình hình châu Âu và châu Á có nhiều biến động như hiện nay.
Bên cạnh đó, các nghị sỹ Mỹ đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc tăng mạnh chi phí cho quốc phòng, phát triển các thiết bị quân sự tối tân hiện đại cũng như các bước đi khó dự đoán của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.