Đài RT hôm 20/2 đưa tin Chính phủ Italia đang âm thầm xem xét các phương án gửi máy bay quân sự tới Kiev.
Theo tờ La Repubblica, một thỏa thuận liên quan đến 5 chiếc máy bay có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm Ukraine sắp tới của Thủ tướng Ý Giorgia Meloni. Thỏa thuận có thể bao gồm máy bay tấn công mặt đất AMX A-11 Ghibli cũ cùng máy bay Tornado. Tuy nhiên, báo La Republica tỏ ra hoài nghi về sáng kiến này, cho rằng chỉ chừng đó máy bay khó có thể thay đổi tình hình ở Ukraine.
Các máy bay AMX Ghibli dự kiến sẽ được Không quân Ý cho “nghỉ hưu” hoàn toàn vào cuối năm nay. Trong khi đó, “việc chuyển giao Tornado hoặc Eurofighter thường phức tạp hơn”.
Theo tờ La Republica, Ý không muốn trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp máy bay do phương Tây sản xuất cho Ukraine. Tờ báo giải thích rằng Roma sẽ chỉ đồng ý giao máy bay nếu các quốc gia khác có động thái tương tự. Ý có vẻ đang muốn một số “đồng minh” khác như Anh có hành động tiên phong trong việc chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Ý cũng có thể không ngăn cản Anh gửi máy bay chiến đấu Typhoon tới Ukraine, dù động thái này cần có sự đồng ý của tất cả các quốc gia tham gia sản xuất loại máy bay này.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hôm 20/2 cho biết Berlin khó có thể đáp ứng các yêu cầu của Kiev về máy bay chiến đấu, vì quân đội nước này không sở hữu các loại máy bay quân sự mà Kiev yêu cầu.
Theo ông Pistorius, cho đến nay các cuộc thảo luận về khả năng gửi máy bay chiến đấu chỉ đề cập đến những loại mà Quân đội Đức không sở hữu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức lưu ý rằng Berlin không loại trừ khả năng chuyển giao máy bay cho Kiev. “Các hành động quân sự ở Ukraine khiến chúng ta không bao giờ có thể loại trừ bất kỳ khả năng nào”, ông nói song cho rằng đề xuất này khó có thể áp dụng đối với máy bay quân sự của Đức ngay lúc này.
Quân đội Đức hiện chủ yếu dựa vào các máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon. Theo báo cáo năm 2021 của Airbus, Luftwaffe - Lực lượng Không quân Đức đang sở hữu hơn 140 chiếc máy bay loại này. Được sản xuất từ đầu những năm 1990, những máy bay chiến đấu phản lực thế hệ thứ tư này do BAE Systems của Anh, Airbus và Leonardo của Italia hợp tác sản xuất. Ngoài những chiếc Typhoon, Không quân Đức còn có gần 90 máy bay phản lực Panavia Tornado cũ hơn được phát triển từ những năm 1970.
Hồi tháng 1 vừa qua, ông Pistorius cũng đã thẳng thừng bác bỏ thông tin cho rằng Đức chấp thuận gửi máy bay chiến đấu tới Ukraine. Ông nhấn mạnh điều đó “không khả thi” và cho rằng động thái này quá rủi ro.
Trong khi đó, Anh có vẻ không muốn vội vàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine. Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với Sky News rằng London chưa gửi máy bay đến Kiev trong thời gian gần, vì cần khoảng 200 nhân viên của lực lượng Không quân Hoàng Gia đi cùng các máy bay này.
Thay vào đó, Anh và các quốc gia phương Tây khác muốn tập trung vào đảm bảo “khả năng phục hồi lâu dài” của Ukraine thông qua các phương tiện khác như tên lửa đất-đối-không hoặc máy bay không người lái, vốn có “tác dụng tương tự” như máy bay chiến đấu, theo Bộ trưởng Wallace.
Tuần trước, tờ Financial Times đưa tin rằng Mỹ vẫn có thể xem xét gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine, hoặc “bật đèn xanh” cho việc tái xuất khẩu chúng từ các quốc gia khác. Kiev đã nhiều lần yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí hạng nặng hơn như máy bay chiến đấu. Các quan chức Ukraine gần đây đã bày tỏ lạc quan về đề xuất này.
Về phần mình, Moscow đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Kiev chỉ khiến xung đột kéo dài, gây thêm nỗi thống khổ cho người dân, cũng như tạo ra nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.