70 năm giải phóng Thủ đô

Tuyệt đối không ăn thử hạt, quả lạ: Tránh để lại hậu quả đáng tiếc

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, nhiều trường hợp bị ngộ độc do ăn các loại hạt, quả không biết rõ nguồn gốc và độ an toàn. Chuyên gia y tế cảnh báo, nếu ăn nhầm, ngay khi xuất hiện dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Liên tiếp các vụ ngộ độc do ăn nhầm hạt, quả lạ

Cuối tháng 3/2023, Khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân có bị ngộ độc do ăn loại hạt giống hạt dẻ.

Cụ thể, bệnh viện này tiếp nhận bệnh nhân H.T.V.H. (53 tuổi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Văn Quan chuyển đến trong tình trạng tỉnh, mệt mỏi nhiều, đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng liên tục.

Theo lời kể, bệnh nhân cùng người nhà và một số người hàng xóm nhặt được một loại hạt lạ, có hình dáng gần giống hạt dẻ nên mang về cùng ăn. Sau ăn khoảng 30 phút, bệnh nhân H. có biểu hiện ngộ độc với triệu chứng xuất hiện buồn nôn, đau bụng, đại tiện phân lỏng nhiều lần.

Loại hạt giống hạt dẻ  (chứa chất độc Saponosid) khiến 18 người ngộ độc. Ảnh: BVCC
Loại hạt giống hạt dẻ  (chứa chất độc Saponosid) khiến 18 người ngộ độc. Ảnh: BVCC

Qua thống kê, có 18 người cùng ăn loại hạt này cũng có triệu chứng nôn, đau bụng, đi ngoài, trong đó một số người được đưa đến TTYT huyện Văn Quan điều trị. Riêng bệnh nhân H., do ăn số lượng nhiều hơn, các triệu chứng nặng hơn nên được TTYT huyện Văn Quan chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn điều trị.

Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc nên được rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, bù dịch, điện giải. Sau đó, tình hình bệnh nhân dần ổn định. Kết quả xét nghiệm cho thấy chức năng gan thận, chuyển hóa trong giới hạn bình thường nên các bác sĩ cho xuất viện.

Từ mẫu hạt do gia đình người bệnh mang đến, các bác sĩ xác định đây là hạt của cây trẩu, có chứa chất độc Saponosid. Hạt trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu.

Do chứa độc tính nên người ăn phải hạt cây trẩu từ 30 phút đến 4 giờ sẽ có triệu chứng tức ngực, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Trường hợp nặng có thể đại tiện ra máu, đau đớn toàn thân, khó thở, co giật, tê liệt và tử vong.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thời gian gần đây, bệnh viện tiếp nhận một số trường hợp người dân do nhầm lẫn, không rõ loại nên đã ăn nhầm lá, hạt, quả… cây rừng có chứa độc tố, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số trường hợp bệnh nhân nặng hôn mê sâu, tổn thương não dẫn đến sống thực vật, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh và gia đình...

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, người dân không nên ăn các loại quả, hạt khi không biết rõ nguồn gốc và độ an toàn. Trường hợp ăn phải các loại hạt lạ và xuất hiện dấu hiệu bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Hay trước đó, ngày 23/3, 14 học sinh trường THCS Quang Trung (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) có triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn quả cây ngô đồng.

Ngay sau khi phát hiện sự việc, nhà trường đã phối hợp với gia đình chuyển các em đến cơ sở y tế để điều trị. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, xác định nguyên nhân dẫn đến ngộ độc ở các học sinh.

Nhóm học sinh (Hà Tĩnh) bị ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng.
Nhóm học sinh (Hà Tĩnh) bị ngộ độc do ăn hạt quả ngô đồng.

Tương tự, hồi đầu tháng 3/2023, nhóm học sinh nam (11 em) trường THCS Phổ Hải (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đang chơi đá bóng trước sân trường thì thấy có nhiều quả ngô đồng rụng xuống nên đã nhặt lên đập vỡ để lấy hạt ăn.

Sau 5 - 10 phút, các em thấy mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, được cô giáo chủ nhiệm và gia đình chuyển đến TTYT huyện Nghi Xuân để cấp cứu.

Tại đây, các em được bác sĩ Bùi Đức Vũ - Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương và các bác sĩ TTYT huyện Nghi Xuân tiến hành cấp cứu: Gây nôn, rửa dạ dày, truyền dịch, giải độc. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe của các em đã nhanh chóng ổn định.

Tuyệt đối không ăn thử hạt, quả lạ, phòng tránh ngộ độc

Theo bác sĩ Bùi Đức Vũ, hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan, người ăn sẽ bị đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, bị nặng có thể gây xuất huyết đường tiêu hóa, rối loạn thần kinh.

Nếu trẻ không may ăn phải hạt cây ngô đồng, cần phải gây nôn và đưa tới cơ sở y tế gần nhất. Trong khi nôn cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn.

Hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan.
Hạt cây ngô đồng có chất curcin, là độc tố chính gây độc cho đường tiêu hóa và gan.

Để phòng ngừa ngộ độc khi ăn hạt, quả lạ, bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là trẻ em.

Các cấp chính quyền, gia đình và nhà trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của các loại quả dại. Tuyệt đối không ăn thử, dù chỉ một lần nhằm tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Việc phát hiện sớm và xử trí kịp thời là giải pháp quan trọng cứu sống bệnh nhân khi ăn quả lạ. Gia đình khi phát hiện có người ăn phải quả hay các loại hạt lạ cần cho người bệnh uống nhiều nước và gây nôn. Sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các dấu hiệu đầu tiên của ngộ độc bao gồm buồn nôn, nôn, suy nhược và chóng mặt. Sau đó cơ thể xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như suy giảm thị lực, nhìn mờ, mất chức năng cổ họng và miệng, bình thường khó nói, khô họng, mệt mỏi chung…

Các triệu chứng tiêu hóa có thể xuất hiện như tiêu chảy, táo bón, kho cơ hoành và cơ ngực bị nhiễm độc, việc hô hấp sẽ bị ảnh hưởng dẫn đến tử vong do ngạt.

Ngoài ra, các triệu chứng đột ngột thường từ 18 – 36 giờ khi ăn phải độc tố, mặc dù thời gian ủ bệnh có thể thay đổi từ 4 giờ đến 8 ngày. Dấu hiệu buồn nôn, nôn mửa, đau thắt bụng và tiêu chảy thường xảy ra trước các triệu chứng của thần kinh.

Chuyên gia cũng cho rằng, nếu muốn chuẩn đoán bệnh chính xác phải dựa vào nhiều yếu tố như điều tra dịch tễ, lâm sàng, xét nghiệm để kết luận chính xác và điều trị.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, các loài cây, quả, hoa chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: Cây lá ngón, cây thông thiên, cây đai vàng, cây bông tai, cây thầu dầu, cây ngô đồng, cây hồng trâu...

Người dân tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa, quả có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ gây độc để ăn, uống. Đặc biệt, các gia đình cần trông nom, quan sát trẻ cẩn thận; hướng dẫn các trẻ lớn nhận biết quả gây độc, không tự hái, ăn những quả lạ ngoài thiên nhiên. Cây chứa chất độc nên cần cẩn trọng khi trồng trong nhà, nếu có trẻ em.