Chỉ số USD cho biết sức mạnh của đồng USD thông qua diễn biến tỷ giá giữa đồng bạc xanh và 6 đồng tiền chủ chốt còn lại, giảm 0,51% xuống 90,52 điểm. Chỉ số này có lúc giảm về đáy 3 năm trong phiên đầu tuần. Chỉ số USD đã giảm 1,8% từ đầu năm đến nay.
Đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi tăng đột biến trong phiên trước nhờ một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết ngân hàng trung ương sẽ vẫn tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm nay.
Đồng bạc xanh giảm giá do tâm lý lo ngại về việc chính phủ Mỹ đóng cửa. Một dự luật về chi tiêu cần được Quốc hội thông qua vào thứ Sáu để chính phủ tiếp tục hoạt động. Tỷ giá đồng USD suy yếu do nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào đồng euro, yen Nhật, bảng Anh và các đồng tiền chủ chốt khác.
Các chuyên gia cho biết, nếu các bên không đạt được thỏa thuận ngân sách vận hành chính phủ, dù chỉ là một thỏa thuận tạm thời, thì đồng bạc xanh sẽ chịu áp lực nặng nề.
Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại BK Asset Management, cho rằng đồng USD bị bán tháo trong phiên là do nghị sĩ McConnell cảnh báo về việc đóng cửa chính phủ. “Chúng tôi cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ đạt đủ phiếu để duy trì chính phủ hoạt động, và nếu đúng vậy, đồng USD sẽ phục hồi”, chuyên gia Lien cho biết.
Tỷ giá USD giảm 0,04% so với yen Nhật xuống 111,06 yen.
Tỷ giá euro so với đồng bạc xanh tăng 0,02% lên 1,2241 USD. Đồng tiền chung đã tăng 0,28% trong tuần, hướng đến tuần tăng thứ 5 liên tiếp so với đồng USD - chuỗi tăng giá dài nhất kể từ giữa năm 2014.
Trong khi đó, tỷ giá đồng bảng Anh giao dịch ổn định ở 1,3894 USD. Trong khi đó, giá bảng Anh hôm 18/1 vượt 1,39 USD lần đầu tiên kể từ khi Anh tiến hành cuộc bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU).