Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Thái Lan (NESDC) cho biết việc làm tại nước này đã tăng 2,4% trong quý I năm nay so với cùng kỳ. Lực lượng lao động của Thái Lan là 39,6 triệu người trong quý đầu tiên của năm 2023.
Tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan trong quý I/2023 là 1,05%, với 420.000 người thất nghiệp, là mức thấp nhất so với 1,03% được ghi nhận trong quý đầu của năm 2020 - thời điểm trước khi nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á cảm nhận được toàn bộ tác động của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, định nghĩa về "thất nghiệp" của Thái Lan được cho là rất hẹp, và chỉ được tính là thất nghiệp đối với những người không làm việc một giờ nào trong một tuần được khảo sát. Các nhà phân tích nói rằng những con số này không bắt kịp nền kinh tế phi chính thức quan trọng của Thái Lan.
Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã thay nhau cảnh báo Đảng Tiến lên (MFP) rằng việc tăng lương quá cao và quá nhanh có thể dẫn đến mất việc làm tại Thái Lan. MFP dự kiến sẽ lãnh đạo Chính phủ liên minh tiếp theo, sau khi chiến thắng cuộc bầu cử ngày 14/5 vừa qua.
Trong bức thư gửi lãnh đạo MFP Pita Limjaroenrat, ông Pratheep Watcharachokkasem - Phó chủ tịch Hiệp hội các thị tộc người Hoa ở Thái Lan - cho rằng các chính sách kinh tế của Chính phủ mới, bao gồm cả mức lương tối thiểu, nên được giao cho Pheu Thai - đảng có nhiều phiếu bầu thứ 2 trong danh sách liên minh được đề xuất, vì kinh nghiệm quản lý nền kinh tế.
Ông Pratheep nói thêm rằng chính sách tiền lương tối thiểu của Pheu Thai, tăng dần mức lương lên 400 baht/ngày, nên được ưu tiên hơn so với chính sách của MFP, vốn ủng hộ mức lương 450 baht/ngày đi kèm với chính sách tuần làm việc tối đa 40 giờ. Những kế hoạch này được cho sẽ gây tổn hại đến doanh nghiệp vốn đã bị ảnh hưởng bởi doanh số bán hàng giảm và chi phí sinh hoạt cao.
"Nếu các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, Chính phủ sẽ không thể thu được nhiều thuế - huyết mạch tài chính của đất nước" - bức thư cảnh báo, nhấn mạnh rằng sau đại dịch, không chỉ các ngành công nghiệp lớn mà các DN vừa và nhỏ cũng phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự - "Mức lương quá cao sẽ khiến các nhà đầu tư bỏ đi và việc làm giảm mạnh".
Chủ tịch Hiệp hội nhà chung cư Thái Lan Peerapong Charoon-ek cũng lo ngại về các kế hoạch tăng lương đột ngột, bao gồm cả kế hoạch của MFP nhằm tăng mức lương 337 baht hiện tại lên 450 baht/ngày, tương đương khoảng 30%.
Ông cho rằng tỷ lệ này nên tăng dần tối đa 10% mỗi năm để ngăn chặn tình trạng tăng giá nhà ở và chung cư mới. Theo Peerapong, mức lương tối thiểu tăng 450 baht sẽ ngay lập tức khiến giá nhà đất tại Thái Lan tăng 1,5%.
Trong khi đó, Isare Rattanadilok na Phuket - Phó chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan - nhận định rằng mức giá do cả hai đảng đề xuất đều đáng lo ngại. Ông Isare cho rằng, trong khi khu vực DN nhận thấy cần phải điều chỉnh lại mức lương tối thiểu để giảm bớt gánh nặng cho người lao động, vẫn cần có những biện pháp phù hợp với tất cả các bên liên quan - bao gồm Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động.
Ông thêm rằng tăng lương cũng sẽ đẩy giá tiêu dùng lên cao, đồng thời ngay lập tức giảm lợi thế cạnh tranh của đất nước, gây tổn hại cho DN vừa và nhỏ, trong khi các công ty lớn có đủ khả năng chi trả cho việc tăng lương sẽ buộc phải thay thế công nhân bằng máy móc trong thời gian dài.