5 năm trước, gia đình anh Mùa cũng giống như nhiều hộ dân ở xã Kim An, chủ yếu trồng cam Canh. Với diện tích gieo trồng quá lớn, giá trị cây cam Canh không còn được cao như trước. Từ năm 2013, anh Nguyễn Văn Mùa đã quyết định chuyển đổi mô hình sang trồng bưởi phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh ngày Tết của người dân Thủ đô.
Ban đầu, anh chỉ trồng thử nghiệm vài chục cây. Khi nhận thấy bưởi cảnh mang lại giá trị kinh tế cao và nhu cầu thị trường vẫn còn tiềm năng, anh quyết định xóa bỏ cam Canh, chuyên tâm phát triển mô hình bưởi cảnh lên 1ha. Những gốc bưởi cảnh trồng trong chậu được anh Mùa lựa chọn kỹ càng về dáng và thế, chăm sóc cẩn thận, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của cả những khách hàng khó tính nhất.
Năm nay, để phục vụ cho thị trường cây cảnh Tết Canh Tý 2020, anh Nguyễn Văn Mùa đã trồng hơn 130 gốc bưởi to với kiểu dáng và thế cây phù hợp với thị hiếu của đa dạng người chơi. Với mức giá trung bình từ 10 - 30 triệu đồng/gốc, cá biệt có gốc lên tới 60 – 70 triệu đồng, vườn bưởi cảnh hứa hẹn mang lại cho gia đình anh doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Dù mang lại giá trị kinh tế cao, song việc phát triển mô hình này cũng đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ hơn nhiều so với các cây trồng khác. Đó là lý do đến nay, trên địa bàn xã Kim An mới chỉ có khoảng 10 hộ trồng bưởi cảnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Kim An Nguyễn Văn Hải cho biết, mô hình bưởi cảnh của gia đình anh Mùa cho hiệu quả kinh tế rất cao từ nhiều năm nay. Hiện, trong bối cảnh việc phát triển cây cam Canh gặp nhiều khó khăn, địa phương định hướng chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả sang phát triển bưởi cảnh và ổi Đài Loan.
Theo ông Hải, so với bưởi cảnh thì ổi Đài Loan dễ chăm sóc nên được người nông dân lựa chọn chuyển đổi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa các loại cây ăn quả là điều cần thiết. Chính vì vậy, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức cho các hộ có nhu cầu tham quan, học tập kinh nghiệm tại các hộ trồng bưởi cảnh sẵn có, trong đó có hộ anh Mùa. Đồng thời, hỗ trợ để các hộ phát triển, nhân rộng mô hình này.