Gần 10 năm trước, chị Khuất Thị Giang ở thôn 3 (xã Đại Đồng) đồng ý giao cho anh Nguyễn Văn Dư thuê khoán 3 sào đất canh tác nông nghiệp. Đây là diện tích mà những năm trước đó, gia đình chị Giang bỏ không hoặc chỉ canh tác được 1 - 2 vụ lúa, với giá trị kinh tế không cao. Sau khi để anh Dư thuê đất phát triển vùng hoa ly, chị Giang cũng được tham gia vào sản xuất ngay trên cánh đồng của gia đình. Ngoài tiền thuê đất nông nghiệp được trả hàng năm, chị Giang còn nhận được tiền công lao động hàng tháng. Thu nhập của gia đình nhờ đó được nâng lên đáng kể so với canh tác lúa.
Không chỉ có chị Giang, trên địa bàn xã Đại Đồng hiện còn khoảng 50 nông hộ khác cùng tham gia góp đất với anh Dư để phát triển vùng sản xuất hoa ly với tổng diện tích khoảng 10ha.Anh Nguyễn Văn Dư cho biết, gần 10 năm trước, anh bắt tay vào trồng hoa. So với các giống cây trồng khác, hoa ly cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều nhưng đi theo đó là rủi ro cũng lớn hơn về thời tiết, thị trường tiêu thụ. Để hạn chế tác động từ yếu tố thời tiết, anh đã vay vốn đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới và phun tưới tự động. Anh Dư còn thường xuyên cập nhật các giống hoa ly mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Tại khu vườn rộng 10ha hiện có hàng chục loại hoa ly khác nhau, có xuất xứ từ nhiều quốc gia như Chi Lê, Trung Quốc, New Zealand, Pháp, Hà Lan…Anh Dư cho hay, mỗi năm nông trại cung ứng cho thị trường khoảng 4 triệu cành hoa ly. Trong đó, riêng dịp Tết Nguyên đán hàng năm, sản lượng tiêu thụ ước trên 300.000 cành. Doanh thu từ cánh đồng hoa ly lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm.Theo Chủ tịch UBND xã Đại Đồng Kiều Thị Khuyến, mô hình hoa ly trong nhà màng, nhà lưới do anh Dư làm chủ đem lại lợi ích rất lớn về mặt cộng đồng. Hiện, có khoảng 40 - 50 lao động, trong đó hầu hết là người dân trên địa bàn xã có thu nhập ổn định từ việc làm công tại cánh đồng hoa ly của gia đình anh Dư. Đây cũng là mô hình chuyển đổi đất lúa đặc biệt hiệu quả mà UBND xã Đại Đồng đang khuyến khích nhân rộng.