Tỷ phú Nga lý giải cách Moscow chống chọi với lệnh trừng phạt

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khả năng phục hồi rõ ràng của Nga mặc dù bị tách khỏi thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu là một điểm đáng tự hào đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Nga đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc chiến Ukraine, tỷ phú hàng đầu nước Nga Oleg Deripaska khẳng định với Financial Times (FT). Ông cũng thừa nhận “bất ngờ” trước khả năng phục hồi của đất nước trong cuộc chiến mà bản thân từng cho rằng có thể khiến Điện Kremlin lao đao. 

Tỷ phú Deripaska, một trong những người giàu nhất nước Nga, nói với FT rằng Moscow đã sống sót sau nỗ lực cô lập nền kinh tế bằng cách phát triển quan hệ thương mại mới với khu vực Nam bán cầu và tăng cường đầu tư vào sản xuất trong nước.

Một nhà máy luyện nhôm Rusal ở Sayanogorsk. Ảnh: Bloomberg. 
Một nhà máy luyện nhôm Rusal ở Sayanogorsk. Ảnh: Bloomberg. 

Trong khi đó, khu vực tư nhân tỏ ra mạnh mẽ hơn mong đợi chỉ vài tháng trước đó. “Tôi rất ngạc nhiên khi doanh nghiệp tư nhân lại linh hoạt đến vậy. Tôi từng chắc chắn rằng có tới 30% quy mô nền kinh tế gặp ảnh hưởng, nhưng con số thực tế ít hơn nhiều,” ông cho biết.

“Đúng là có chi tiêu cho chiến tranh và tất cả các loại trợ cấp cũng như hỗ trợ của chính phủ nhưng đó vẫn là mức giảm tốc thấp đáng ngạc nhiên. Nền kinh tế tư nhân đã tìm ra cách vận hành và thực hiện thành công.”

Khả năng phục hồi rõ ràng của Nga mặc dù bị tách khỏi thị trường và chuỗi cung ứng toàn cầu là một điểm đáng tự hào đối với Tổng thống Vladimir Putin.

Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề sau chiến sự nhưng sau đó đã thành công trong việc tránh được các lệnh trừng phạt của G7 đối với phần lớn hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Nga sẽ tăng 1,5% trong năm nay và 1,3% vào năm 2024. Tuần trước, ông Putin tỏ ra lạc quan hơn khi dự đoán mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay, cao hơn gấp đôi mức tối đa mà nội các của ông dự đoán vào tháng 4.

Nhận xét của Deripaska, người sáng lập nhà sản xuất nhôm hàng đầu Rusal và công ty năng lượng mẹ En+, cho thấy giới tinh hoa Moscow ngày càng tin tưởng rằng Nga đã chống chịu tương đối hiệu quả, bất chấp lo ngại các lệnh trừng phạt sẽ sớm ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Tôi luôn nghi ngờ về [vũ khí kỳ diệu] Wunderwaffe này, như người Đức thường nói, về các biện pháp trừng phạt - vũ khí hóa hệ thống tài chính như một loại công cụ để đàm phán,” Deripaska, người có khối tài sản ước tính khoảng 2,5 tỷ USD cho biết, theo ấn bản tiếng Nga của Forbes.

“Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để biến thế giới thành một thị trường chung, về mặt thương mại, đầu tư, luồng thông tin [ . . .] Thực sự chúng ta không thể thấy rằng các lệnh trừng phạt còn hiệu quả trong thế kỷ 21”.

Để giải thích về “khả năng phục hồi” của nền kinh tế, Deripaska chỉ ra sự đầu tư của Điện Kremlin vào công nghiệp và nỗ lực buộc các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đang thống trị nền kinh tế phải tăng công suất, một phần hỗ trợ cho nỗ lực chiến sự.

Tỷ phú Deripaska, người bị Mỹ đưa vào danh sách trừng phạt kể từ năm 2018 và trong danh sách trừng phạt của EU kể từ năm 2022, cho biết chuyến đi tới châu Á đã thuyết phục ông rằng các nước từ phía Nam bán cầu sẽ phớt lờ áp lực tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây, mang lại cho Nga một cứu cánh.

Mặt khác, theo hãng tin nhà nước RIA Novosti, thương mại với Trung Quốc đã tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái trong 8 tháng đầu năm 2023 lên 155 tỷ USD, trong khi thương mại với Ấn Độ tăng gấp ba lần trong nửa đầu năm lên 33 tỷ USD.

Trong khi đó, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Nga khiến nước này trở thành đối tác thương mại hấp dẫn đối với các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, kim loại và thực phẩm của nước này, Deripaska nói.