Hôm 11/10, Hội đồng Đánh giá Phát triển Trung tâm Khu vực Phía Nam (JDAP) của thành phố Perth (Australia) đã phê duyệt đề xuất của tập đoàn Grange Development về việc xây dựng tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới bằng gỗ có tên C6 .
Chủ dự án cho biết 42% tòa tháp sẽ được xây dựng bằng gỗ, với các cột và trụ chính được làm bằng bê tông cốt thép. Dự kiến sau khi hoàn thành, tòa nhà cao tầng này sẽ cao gần gấp đôi so với công trình bằng gỗ hiện giữ kỷ lục thế giới là tháp Ascent ở Milwaukee, Wisconsin (Mỹ) có 25 tầng, tương đương 86m.
Tháp C6 cao 191,2m sẽ là tòa tháp gỗ cao nhất thế giới. Ảnh: Elenberg Fraser
Nằm trên Phố Charles ở phía Nam thành phố Perth, tòa tháp C6 sẽ kết hợp các dầm gỗ ép với bộ khung ngoài bằng thép để hỗ trợ kết cấu. Theo Grange Development, tòa nhà do công ty nổi tiếng Elenberg Fraser thiết kế sẽ cao tới 191,2m với 50 tầng và hơn 200 căn hộ. Đây sẽ là tòa nhà dân cư không khí thải carbon đầu tiên ở miền Tây Australia.
Công trình C6 dự kiến sẽ sử dụng 7.400 mét khối gỗ lấy từ gần 600 cây gỗ.
Tính bền vững là một từ thông dụng trong kiến trúc hiện đại. Theo Hội đồng Công trình Xanh Australia, đơn vị có vai trò thúc đẩy các công trình và cộng đồng bền vững, môi trường xây dựng chiếm gần 40% “lượng khí thải carbon đến từ hoạt động sản sinh năng lượng trên toàn cầu”, trong đó riêng vật liệu xây dựng đã chiếm 11% tổng lượng khí thải toàn cầu đó. Tuy nhiên, cần phải đi sâu vào các chi tiết kỹ thuật mới biết chính xác điều gì tạo nên sự bền vững cho một tòa nhà.
Theo chủ đầu tư của dự án C6, 7.400 mét khối gỗ cần thiết chỉ tương đương với 580 cây gỗ từ các khu rừng được quản lý bền vững. Do đó, Grange Development tuyên bố rằng C6 sẽ sử dụng “bê tông ít hơn khoảng 45% so với một tòa nhà truyền thống có quy mô tương tự”.
Ngoài việc xây dựng 200 căn hộ, tính bền vững sẽ nổi bật ở các khía cạnh khác trong thiết kế của C6 từ tầng hầm đến tầng thượng. Tòa nhà sẽ được cấp điện thông qua hệ thống chạy bằng 100% năng lượng tái tạo. Ngoài không gian giải trí và ăn uống, tầng thượng của C6 còn được đầu tư xây dựng vườn hoa để mang lại không gian sống xanh cho cư dân.
Chủ đầu tư dự định công bố tất cả các tài liệu kỹ thuật của dự án trên cơ sở nguồn mở. Kiến trúc sư trưởng Reade Dixon nói với tờ The Guardian rằng “hy vọng lớn nhất của chúng tôi là dự án C6 sẽ là bàn đẩy để thực hiện các dự án khác trong tương lai tốt hơn”.
Hiện chưa có mốc thời gian hoàn thành C6, nhưng dự án tòa tháp chọc trời bằng gỗ mang tính bước ngoặt này đã truyền cảm hứng cho các kiến trúc sư có tư tưởng theo đuổi ngành xây dựng mang tính bền vững.